Chủ trì cuộc họp, Chủ tịch ĐHĐ LHQ, ông Csaba Korosi cảnh báo về "thảm họa toàn cầu" do vũ khí hạt nhân mang lại. Ông nhấn mạnh "có nhiều dấu hiệu cho thấy các kho dự trữ và năng lực hạt nhân đang gia tăng, đi ngược lại Hiệp ước không phổ biến hạt nhân”, đồng thời cảnh báo: "Chúng ta đang đến gần thảm họa toàn cầu hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong thế kỷ này".
Chủ tịch ĐHĐ LHQ cho rằng cần một cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để giải trừ vũ khí hạt nhân, theo đó tập trung vào việc ngăn chặn khổ đau và sự tàn phá môi trường một cách vô nghĩa, và thực hiện điều này thông qua một quy trình đa phương toàn diện và nhất quán.
Ông Korosi nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cho phép mối nguy hiểm này gia tăng. Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) là một phần quan trọng trong cơ cấu giải trừ quân bị quốc tế, tạo ra một chuẩn mực chống lại việc thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, văn kiện này vẫn chưa có hiệu lực 27 năm sau khi được thông qua và đây là một lỗ hổng nghiêm trọng trong khuôn khổ toàn cầu của chúng ta”.
Chủ tịch ĐHĐ LHQ khẳng định việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào vào bất kỳ mục đích nào sẽ ngay lập tức vượt khỏi tầm kiểm soát. Ông kêu gọi “vì sự an toàn của mọi người trên toàn cầu, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hướng tới một thế giới không có mối đe dọa hạt nhân”.
Trước cuộc họp này, ông Korosi đã tham gia một cuộc đi bộ mang tính biểu tượng để đánh dấu Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân. Cùng tham gia còn có Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị, ông Izumi Nakamitsu và Thư ký điều hành Tổ chức CTBT, ông Robert Floyd.
Trong thông điệp nhân dịp này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh một hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý cấm thử hạt nhân là bước cơ bản hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. CTBT, dù chưa có hiệu lực, vẫn là minh chứng mạnh mẽ cho ý chí của nhân loại nhằm xóa bỏ vĩnh viễn bóng ma hủy diệt hạt nhân khỏi thế giới.
CTBT được ĐHĐ LHQ thông qua vào tháng 9/1996 nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu lực.