LHQ: Cần khoảng 1 tỷ USD để giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Nigeria

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 16/3 ước tính cần khoảng 1 tỷ USD để ứng phó cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở vùng Đông Bắc đầy bất ổn của Nigeria.

Chú thích ảnh
Người dân tại trại tị nạn ở Kajuru, bang Kaduna, Nigeria. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Bất chấp các hoạt động quân sự của Chính phủ Nigeria nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến kéo dài 10 năm qua, xung đột vẫn tiếp tục nổ ra khiến nhiều người thiệt mạng và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Theo OCHA, khoảng 5,1 triệu người Nigeria đang bị đe dọa bởi nạn đói nghiêm trọng trong mùa giáp hạt sắp tới - viễn cảnh tồi tệ nhất trong 4 năm qua.   

Cộng đồng nhân đạo tại Nigeria đã hợp tác với chính phủ khởi động Kế hoạch ứng phó nhân đạo năm 2021, với kinh phí cần thiết lên đến 1 tỷ USD, so với mức 839 triệu USD của năm trước. Trong năm 2020, do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nguồn tài trợ bị ảnh hưởng, các tổ chức nhân đạo chỉ huy động được 55% số tiền cần thiết.   

Năm 2021, tình trạng mất an ninh và bạo lực kéo dài, cộng thêm những hậu quả của biến đổi khí hậu và tác động của đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm mức độ dễ bị tổn thương của người dân. Nguồn kinh phí kể trên hướng đến 6,4 triệu người dễ bị tổn thương, trong tổng số 8,7 triệu người cần giúp đỡ.

Ông Edward Kallon, điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Nigeria cho biết đã đến lúc cần xem xét lại cách tiếp cận khủng hoảng nhân đạo. Cộng đồng quốc tế không thể giải quyết tất cả nhu cầu nhân đạo của người bị ảnh hưởng, mà cần xem xét các phương pháp tổng thể nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân làm bùng phát khủng hoảng nhân đạo. Thời gian gần đây, LHQ và các cơ quan viện trợ quốc tế đang là mục tiêu nhắm đến của các nhóm thánh chiến ở Nigeria, làm phức tạp và khó khăn thêm các công tác nhân đạo.   

Nigeria là quốc gia sản xuất dầu hàng đầu của châu Phi, đồng thời có dân số đông nhất lục địa, với 200 triệu người. Cuộc xung đột thánh chiến ở vùng Đông Bắc đã khiến 36.000 người thiệt mạng và khoảng 2 triệu người phải di tản. Các nhóm cực đoan, đặc biệt là Boko Haram, đã mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng như Cộng hòa Chad, Cameroon và Niger, buộc các nước phải thành lập một liên minh quân sự nhằm chống lại quân nổi dậy.

Xung đột chỉ là một trong những vấn đề an ninh mà Nigeria phải đối mặt. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phải đối phó với các băng nhóm bắt cóc ở các bang phía Tây Bắc và miền Trung đất nước cũng như tình trạng cướp biển ở phía Nam.

Quang Trường (TTXVN)
Quân đội Nigeria tiêu diệt 41 phần tử Boko Haram ở vùng Đông Bắc
Quân đội Nigeria tiêu diệt 41 phần tử Boko Haram ở vùng Đông Bắc

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 15/3, ông Mohammed Yerima, phát ngôn viên của quân đội Nigeria cho biết, lực lượng chức năng đã tiêu diệt 41 tay súng Boko Haram trong một chiến dịch nhằm vào nhóm cực đoan này ở bang Borno, thuộc vùng Đông Bắc đầy bất ổn của đất nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN