Cụ thể, trong báo cáo "Triển vọng nhân đạo toàn cầu" năm 2024 mới công bố, LHQ đánh giá các cuộc xung đột, những tình huống khẩn cấp về khí hậu và sự sụp đổ của không ít nền kinh tế đang đè nặng lên nhóm những người dễ bị tổn thương nhất. Trong khi thế giới đang tập trung chú ý tới cuộc xung đột ở Dải Gaza, toàn bộ khu vực Trung Đông, Sudan và Afghanistan cũng là những điểm nóng cần các chiến dịch cứu trợ nhân đạo quy mô lớn. Tuy nhiên, LHQ lại phải giảm quy mô đợt huy động quỹ hằng năm và số lượng người sẽ được cứu trợ trong năm 2024 so với năm nay, do hoạt động quyên góp giảm.
Theo Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths, công tác nhân đạo cứu sống nhiều người, chống nạn đói, bảo vệ trẻ em, đẩy lùi dịch bệnh và cung cấp chỗ trú ẩn cũng như điều kiện vệ sinh cho nhiều người trong những hoàn cảnh nhân đạo khó khăn nhất. Dù vậy, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Năm 2023, các chương trình nhân đạo chỉ huy động được 35% trong tổng số 56,7 tỷ USD vốn kêu gọi, đánh dấu năm thiếu hụt quỹ nghiêm trọng nhất. Với số vốn này, LHQ đã cứu trợ và bảo vệ cho 128 triệu người. Chỉ còn vài tuần nữa là hết năm 2023 và nhiều khả năng đây sẽ là năm đầu tiên số tiền từ thiện hằng năm cho các quỹ nhân đạo giảm kể từ năm 2010. Do đó, LHQ đã giảm số tiền kêu gọi huy động xuống còn 46,4 tỷ USD cho năm 2024 và sẽ tập trung cung cấp hỗ trợ cho những nhóm cần nhất.
Khi công bố báo cáo đánh giá tình hình nhân đạo toàn cầu 2024, Phó Tổng Thư ký LHQ Griffiths nêu rõ nếu không giảm số tiền huy động, sẽ rất khó để có thể đạt mục tiêu trong bối cảnh các quốc gia tài trợ cũng đang gặp khó khăn vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Số tiền huy động cho năm 2024 sẽ dùng để trợ giúp 72 quốc gia, trong đó có 26 nước đang lâm vào khủng hoảng và 46 nước láng giềng chịu những hệ lụy từ khủng hoảng của những nước này. Nhóm 5 nước cần hỗ trợ nhiều nhất là Syria (4,4 tỷ USD), Ukraine (3,1 tỷ USD), Afghanistan (3 tỷ USD), Ethiopia (2,9 tỷ USD) và Yemen (2,8 tỷ USD). Tính theo khu vực, năm 2024, Trung Đông và Bắc Phi cần 13,9 tỷ USD, cao nhất trong các vùng.
Phó Tổng Thư ký Griffiths cho biết LHQ ước tính có 300 triệu người trên toàn thế giới cần được cứu trợ trong năm 2024, giảm so với con số 363 triệu người năm 2023. Dù vậy, các cơ quan LHQ cũng chỉ có thể hỗ trợ 180,5 triệu người trong số nêu trên và nhóm còn lại trông chờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức cứu trợ và các tổ chức phi chính phủ khác. Bên cạnh đó, ông lo ngại biến đổi khí hậu có thể sẽ thay thế xung đột trở thành nguyên nhân khiến nhiều người cần hỗ trợ nhân đạo nhất. Hiện số trẻ em phải rời bỏ nơi sinh sống do biến đổi khí hậu còn nhiều hơn cả số trẻ em phải lánh nạn vì xung đột. Điều này chưa từng có tiền lệ.