Hệ thống nhân đạo ở Gaza sắp sụp đổ hoàn toàn
Cuộc giao tranh kéo dài hơn hai tháng qua giữa quân đội Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã khiến 2,3 triệu người Palestine ở Gaza phải hứng chịu cuộc khủng hoảng trầm trọng. 700 người dùng chung một nhà vệ sinh và người dân phải đốt rác nhựa để sưởi ấm. Hệ thống nhân đạo ở đây sắp sửa sụp đổ hoàn toàn và trật tự xã hội bị phá vỡ. Không còn nơi nào an toàn ở Gaza.
Ngày 8/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc cộng đồng quốc tế nỗ lực hết sức nhằm chấm dứt nỗi khổ mà người dân Dải Gaza đang phải chịu đựng. Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, ông Gutteres cảnh báo: “Chúng ta đang ở điểm ngoặt. Có nguy cơ cao về sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống nhân đạo”. Ông nhấn mạnh hiện không có biện pháp hiệu quả nào để bảo vệ dân thường và điều đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, ông Richard Peeperkorn, quan chức đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Gaza cho biết tình hình ở dải đất này đang xấu đi từng giờ, trước tần suất ném bom ngày càng gia tăng của Israel tại ở khu vực phía Nam quanh Khan Younis và Rafah.
Trả lời phỏng vấn qua video, ông Peeperkorn cảnh báo: “Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn theo từng giờ. Các vụ đánh bom tăng cường diễn ra khắp nơi”. Quan chức này cũng lưu ý rằng dòng viện trợ nhân đạo đến Gaza là quá ít ỏi. WHO đặc biệt quan ngại về khả năng vận hành của hệ thống y tế tại khu vực này, khi ngày càng nhiều người di tản xa hơn về phía Nam để tránh giao tranh.
Theo cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát, hơn 17.000 người Palestine đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10. Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) cho biết có tới 1,9 triệu người - hơn 85% dân số Gaza - đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Tại phía Bắc Gaza, 97% hộ gia đình không có đủ thức ăn.
Tại phía Nam, tỷ lệ này trong số những người phải rời bỏ nhà cửa là 83%. Hệ thống y tế tại Gaza đang dần sụp đổ trong khi nhu cầu lại tăng lên. Tổng thư ký Guterres nêu rõ các bệnh viện đã bị bắn phá nặng nề, chỉ còn 14 trong 36 cơ sở y tế còn hoạt động. Ít nhất 286 nhân viên y tế đã thiệt mạng.
Những lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Israel tăng cường tấn công vào Gaza sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc. Trong vòng 24 giờ tính đến sáng 8/12, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tấn công hơn 450 mục tiêu trên khắp Gaza từ đất liền, trên biển và trên không. Đây là tần suất không kích lớn nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi lệnh ngừng bắn tạm thời kết thúc một tuần trước.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Israel đã không thực hiện lời hứa bảo vệ dân thường ở Gaza. Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ nhấn mạnh: “Vẫn còn khác biệt giữa cam kết bảo vệ dân thường và kết quả thực tế mà chúng tôi đang thấy trên thực địa”.
Tuyên bố của ông Blinken là dấu hiệu cho thấy các nhà ngoại giao phương Tây đang gia tăng thất vọng đối với quy mô thương vong của dân thường ở Gaza trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.
Giá vàng lập đỉnh, giá dầu hạ nhiệt
Giá vàng đã tăng vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce vào ngày 4/12, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Các nhà phân tích cho biết giá vàng đang trên đà đạt mức cao mới vào năm 2024 và có thể duy trì trên 2.000 USD/ounce, do bất ổn địa chính trị, nguy cơ đồng USD yếu đi và khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Giá vàng đã tăng trong hai tháng liên tiếp khi xung đột Israel - Hamas thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, bên cạnh đó là dự đoán Fed sẽ chuyển sang nới lỏng tiền tệ vào đầu năm 2024. Vàng có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị do vai trò là tài sản trú ẩn đáng tin cậy.
Ông Bart Melek tại ngân hàng TD Securities (Canada) dự đoán giá vàng sẽ đạt trung bình 2.100 USD/ounce trong quý 2/2024, với hoạt động mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương đóng vai trò là chất xúc tác chính thúc đẩy giá.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới, 24% ngân hàng trung ương có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới, do họ ngày càng bi quan về đồng USD với vai trò tài sản dự trữ.
Ông Melek lập luận: “Điều này có nghĩa là nhu cầu có thể cao hơn từ khu vực chính thức trong những năm tới”. Ông bổ sung rằng khả năng xoay trục chính sách của Fed vào năm 2024 cũng có thể tác động.
Lãi suất thấp hơn có xu hướng làm suy yếu đồng USD và điều này khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua quốc tế, từ đó thúc đẩy nhu cầu. Fed bắt đầu đợt tăng lãi suất đều đặn vào tháng 3/2022 khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Và không phải ngẫu nhiên mà giá vàng đạt đỉnh lịch sử vào thời điểm đồng USD đang gặp nguy hiểm. Điều đó làm nảy sinh làn sóng căng thẳng mới ở một châu Á vốn vẫn còn nhớ rất rõ sự thay đổi đột ngột của đồng tiền dự trữ toàn cầu có thể hủy hoại nền kinh tế như thế nào.
Ngược lại, giá dầu thế giới vừa chạm mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Trong phiên giao dịch 7/12 giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu năng lượng chậm ở Mỹ và Trung Quốc, giữa lúc sản lượng dầu từ Mỹ vẫn ở gần mức cao kỷ lục.
Kết thúc phiên này, tại thị trường London, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 25 xu Mỹ, xuống 74,05 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ tại thị trường Mỹ cũng giảm 4 xu Mỹ, xuống còn 69,34 USD/thùng. Cả hai loại dầu tiêu chuẩn này đều ghi dấu mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 6.
Nhà phân tích John Evans của PVM Oil cho biết: “Với việc Trung Quốc- nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới chấm dứt cơn khát dầu thô, áp lực vẫn đè lên giá khi nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới Mỹ tiếp tục duy trì sản lượng cao kỷ lục”.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu của nước này vẫn ở gần mức cao kỷ lục hơn 13 triệu thùng mỗi ngày. EIA cho biết, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 5,4 triệu thùng trong tuần trước, lên 223,6 triệu thùng, gấp hơn 5 lần mức tăng 1 triệu thùng đã được dự kiến.
Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc cũng hạn chế đà tăng của giá dầu. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 11/2023 của nước này giảm 9% so với cùng kỳ năm trước do mức tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà máy lọc dầu độc lập cũng khiến nhu cầu giảm.
Giá dầu đã giảm khoảng 10% kể từ khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, công bố cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024. Nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group ở Chicago, cho biết: “Thị trường dường như đang cho thấy rằng họ không tin rằng OPEC+ có khả năng thực hiện việc cắt giảm của họ”.
Thượng viện Mỹ bác dự luật viện trợ khẩn cấp cho Ukraine
Ngày 6/12, các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã bác dự luật trị giá 110,5 tỷ USD cung cấp viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và Israel, với lý do Mỹ cần ngân sách cho nỗ lực đảm bảo an ninh ở khu vực biên giới giáp Mexico. Tất cả 49 nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện đã bỏ phiếu ngăn chặn dự luật trên. Như vậy, với 51 phiếu chống và 49 phiếu ủng hộ, dự luật đã không đạt được 60 phiếu tối thiểu cần thiết để được thông qua tại Thượng viện và chuyển đến Hạ viện xem xét. Dự luật do Nhà Trắng đề xuất, bao gồm 61,4 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, 14,3 tỷ USD hỗ trợ Israel và các khoản hỗ trợ dành cho các điểm nóng khác trên thế giới.
Trước đó, Nhà Trắng cảnh báo Mỹ sẽ hết kinh phí để gửi vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine vào cuối năm nay và điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến thực tế chiến trường Ukraine. Tính đến nay, Quốc hội Mỹ đã phân bổ 111 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine, bao gồm 67 tỷ USD mua sắm quân sự, 27 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và dân sự và 10 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo.
Chính quyền Tổng thống Biden cho biết họ đã giảm tốc độ hỗ trợ quân sự cho Kiev trong những tuần gần đây để cố gắng kéo dài nguồn cung cho đến khi Quốc hội phê duyệt thêm nguồn tài trợ.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7/12 bày tỏ hy vọng các nhà lập pháp Mỹ sẽ tiếp tục chặn các yêu cầu của Nhà Trắng về viện trợ khẩn cấp cho Ukraine. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định quân đội Ukraine sẽ sụp đổ chỉ sau một tuần nếu không có sự hậu thuẫn từ phương Tây.
Tuyết rơi dày gây gián đoạn giao thông ở châu Âu
Cuối tuần trước, bão tuyết và gió lớn đã gây ra sự hỗn loạn trên khắp châu Âu và Mỹ, khiến hoạt động đi lại bị gián đoạn và mất điện trên khắp vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ.
Ngày 3/12, hàng trăm chuyến bay đã không thể cất cánh tại Đức, Áo, Thuỵ Sĩ và Cộng hòa Séc, làm gián đoạn hoạt động đi lại trên khắp lục địa châu Âu. Cùng ngày, các quan chức Anh cho biết tuyết rơi dày ở miền Bắc đã buộc những người lái xe phải tìm nơi trú ẩn hoặc qua đêm trong ô tô của họ và khiến hơn 2.500 khách hàng bị mất điện.
Tuyết rơi dày đã khiến một số xe tải bị lật, đường cao tốc bị tắc nghẽn, các tài xế phải mất nhiều giờ để hoàn thành các chuyến đi ngắn. Các công ty về dịch vụ cứu hộ cho biết đã làm việc suốt đêm để đưa các tài xế ra khỏi những chiếc ô tô bị mắc kẹt trong tuyết dày. Ngoài ra, mạng lưới phương tiện công cộng như xe buýt, xe điện cũng bị hủy chuyến kể do tình trạng đường sá khó đi lại hơn.
Theo cơ quan thời tiết của Đức, lượng tuyết dày hơn 40 cm rơi trong đêm hôm trước đã làm tê liệt giao thông đường sắt ở Munich và các khu vực phụ cận. Nhà ga chính của Munich phải đóng cửa trong cả ngày 2/12, các chuyến tàu đường dài bị dừng và giao thông công cộng của thành phố bị đình chỉ.
Mặt khác, các chuyên gia khí hậu cho rằng không phải nhiều tuyết có nghĩa là nhiệt độ trung bình toàn cầu không ấm hơn. Trên thực tế, nền nhiệt kỷ lục được ghi nhận ngày càng tăng và nhiệt độ trên Trái đất đang tăng nhanh hơn nhiều so với hàng nghìn năm trước.
Theo Cơ quan Thời tiết Đức (DWD), nhiệt độ trung bình hàng năm ở Đức đã tăng 1,7 độ C từ năm 1881 đến năm 2022. Nhà khí hậu học Gudrun Mühlbacher ở DWD cho biết: "Khí hậu hiện nay đang biến đổi nhanh gấp mười lần tự nhiên. Sự thay đổi nhiệt độ mà chúng ta quan sát được trong 100 năm gần đây thì trước kia phải là trong hơn 1.000 năm". Theo ông Mühlbacher, những thay đổi ghi nhận được trong 10 năm qua thậm chí còn lớn hơn những thay đổi kể từ khi bắt đầu đo đạc. Ông nhận định chung là mùa đông lạnh giá và nhiều tuyết sẽ ít phổ biến hơn.