Theo tờ Pravda (Ukraine) ngày 8/12, gần hai năm sau khi phương Tây áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, các nước châu Âu tiếp tục nhập khẩu LNG ở Bắc Cực của Nga với khối lượng kỷ lục.
Trang tin tức "Нigh North News" dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) nêu rõ: "Ngược lại với Mỹ, EU cho đến nay chưa áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với việc nhập khẩu LNG. Do đó, châu Âu vẫn là điểm đến cho 50% lượng xuất khẩu LNG của Nga, vượt cả lượng xuất khẩu của Mỹ sang EU".
Báo cáo cho biết các nước EU nhập khẩu LNG liên tục và ổn định từ Nga, nhờ đó doanh thu của Moskva từ xuất khẩu LNG đã tăng đột biến. Từ tháng 12/2022 đến tháng 10/2023, một nửa lượng xuất khẩu LNG của Nga, tổng trị giá 8,3 tỷ euro, được hướng tới thị trường EU.
Hiện đang có hàng chục nước châu Âu mua LNG của Moskva với các nhà nhập khẩu chính là Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp, chiếm gần 90% lượng nhập khẩu LNG từ Nga sang EU trong 10 tháng qua.
Về phần mình, công ty Kpler của Pháp, nơi chuyên thu thập thông tin về thị trường hàng hóa, lưu ý, tháng 11/2023, xuất khẩu LNG từ Nga sang châu Âu đã phá kỷ lục của tháng 12/2022 (1,737 triệu tấn), lên tới 1,75 triệu tấn. Tổng cộng, từ tháng 1 đến tháng 11/2023, Nga đã xuất khẩu 29,12 triệu tấn LNG sang EU.
Hàng năm, các cảng của EU nhận được hơn 200 chuyến hàng từ cơ sở LNG Yamal của Nga. Khối lượng LNG nhập khẩu hiện nay đáng kể đến mức nó đã vượt qua các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác của Nga.
LNG của Nga hiện chủ yếu được sản xuất tại nhà máy Yamal LNG ở Bắc Cực và với dự án thứ hai, Arctic LNG 2, sẽ được triển khai trong vài tuần tới, nhập khẩu của EU có thể còn tăng hơn nữa vào năm 2024.
EU cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển LNG của Nga cho khách hàng bên ngoài châu Âu. Hơn 20% LNG thuộc cơ sở Yamal đi qua các bến cảng ở châu Âu, nơi nó được chuyển từ các tàu chuyên dụng có khả năng phá băng sang tàu chở LNG thông thường để vận chuyển tới những điểm đến tiếp theo.
Một trung tâm quan trọng là cảng Zeebrugge (Bỉ), nơi Fluxys, nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt tự nhiên, vận hành một trạm lưu trữ và tái hóa khí. Năm 2015, công ty này đã ký thỏa thuận lưu trữ dài hạn đến năm 2035 với nhà sản xuất khí đốt hàng đầu của Nga Novatek.
Các công ty châu Âu cũng vẫn tham gia vào hoạt động của đội tàu chở dầu LNG của Novatek. Assuranceforeningen Skuld của Na Uy, một công ty bảo hiểm hàng hải có trụ sở tại Oslo, tiếp tục cung cấp bảo hiểm và bồi thường cho ba trong số các tàu chở dầu LNG vận chuyển LNG giữa thị trường Bắc Cực và châu Âu.
Như vậy, bất chấp những tuyên bố công khai chống Nga, các nước châu Âu vẫn tiếp tục tích cực nhưng âm thầm mua LNG của Nga. Hơn nữa, nguồn cung cấp loại nguyên liệu năng lượng này từ Nga sang châu Âu đã vượt quá mức tối đa trong lịch sử.
Ở thị trường Bắc Á, trong khi nguồn cung LNG của Nga sang Trung Quốc giảm mạnh, thì nguồn cung sang Hàn Quốc, Nhật Bản lại tăng. Nguồn cung LNG của Nga sang Trung Quốc trong tháng 11/2023 giảm 100.000 tấn, trong khi trong tháng 10 là 0,8 triệu tấn được chuyển sang Trung Quốc.
Ngược lại, nguồn cung cho Hàn Quốc và Nhật Bản theo hợp đồng với Gazprom (dự án Sakhalin-2) lại tăng lên. Hàn Quốc đã mua 0,28 triệu tấn, tức là tăng 50% lượng nguyên liệu thô này so với cùng tháng năm ngoái. Nhật Bản đã mua 0,64 triệu tấn, tức là nhiều hơn 22% so với cùng kỳ năm 2022.