Alexander Grushko trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 13/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trên kênh truyền hình Russia-24m, ông Grushko nhấn mạnh việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga không chỉ giáng một đòn mạnh vào luật pháp quốc tế cùng nền tảng hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại, mà còn gây phương hại nghiêm trọng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Theo ông Grushko, Mỹ không chú ý đến những lợi ích hợp pháp của mình khi soạn thảo dự luật trừng phạt Nga nên chắc chắn Washington sẽ tạo ra sự rạn nứt trong mối liên kết thống nhất xuyên Đại Tây Dương.
Những ngày qua, nhiều nước châu Âu cũng lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua. Bộ Kinh tế Đức Brigitte Zypries ngày 31/7 cho rằng các biện pháp trừng phạt này là vi phạm luật thương mại quốc tế, có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp châu Âu, đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) xem xét các biện pháp đáp trả.
Trước đó, ngày 28/7, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ nhằm vào Nga, gây ảnh hưởng tới các công ty châu Âu. Ông nhận định chính sách trừng phạt là công cụ không phù hợp và không thỏa đáng.
Các quốc gia châu Âu cũng chỉ trích Washington về ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt mới này, cho rằng chúng có thể gây phương hại tới các công ty châu Âu tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt Nga qua khu vực Baltic tới các nước Trung Âu.
Ngày 27/7, Thượng viện Mỹ đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa có biện pháp trả đũa.
Đây là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Tổng thống Trump. Hiện chưa rõ ông Trump có ký ban hành đạo luật này hay không.