Dẫu biết rằng "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật muôn đời của tạo hóa, vậy mà tôi không khỏi bàng hoàng khi nghe tin ông vừa từ giã cõi tạm để về với thế giới người hiền. Từ lâu lắm rồi, Len Aldis - Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt đã trở thành cái tên rất đỗi thân thương và gần gũi đối với mỗi người dân Việt Nam. Bởi thật đơn giản, Việt Nam luôn là lẽ sống của một cuộc đời bình dị mà Len vừa mới đi qua...
Nếu có ai hỏi nhỏ, rằng ông yêu Việt Nam từ khi nào, thì Len chỉ nở nụ cười hiền từ, đôi mắt ánh lên niềm vui như thay lời muốn nói. Trong trái tim của Len, cái tên Việt Nam là cả một tình yêu sâu nặng nhưng lại đến với ông như lẽ tự nhiên. Đó có thể bắt nguồn từ tình yêu và lòng ngưỡng mộ Bác Hồ, từ những lần xuống đường biểu tình phản đối Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam, từ nhiều hoạt động quyên góp từ thiện, hay từ nỗ lực không mệt mỏi đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/điôxin sau này...
Ông Len Aldis kể chuyện Bác Hồ tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 125 của Người ở London. Ảnh: Lê Phương |
Người kể chuyện Bác Hồ giữa thành LondonDù trước đó đã gặp ông nhiều lần tại Đại sứ quán Việt Nam ở London, nhưng tôi thực sự ấn tượng với Len Aldis khi nghe ông kể chuyện về thời kỳ Bác Hồ sống và làm việc tại Anh trong hành trình đi tìm đường cứu nước. Đó là buổi lễ dâng hoa bên dưới tấm biển tưởng niệm tại tòa nhà New Zealand trên phố Haymarket nhân dịp sinh nhật lần thứ 123 của Người. Say sưa kể bằng giọng nói trầm ấm, truyền cảm, ông như hóa thân vào câu chuyện của một trăm năm về trước khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến London và được nhận vào phụ bếp ở khách sạn Carlton, nơi giờ đây là tòa nhà New Zealand. Không gian như trùng xuống khi những trái tim Việt cùng đập chung một nhịp để tưởng nhớ vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc và thầm biết ơn tình cảm sâu nặng mà người bạn Anh dành cho Bác Hồ.
"Khi mới tới Carlton, Bác Hồ chỉ được giao nhiệm vụ dọn dẹp và rửa bát đĩa. Câu chuyện về việc Bác Hồ cất những món ăn thừa để chuyển cho người nghèo, người ăn xin ngoài đường mà thế hệ trẻ như các bạn được nghe chính là bắt nguồn từ đây. Cảm kích trước hành động này, vị đầu bếp huyền thoại người Pháp Georges Auguste Escoffier của khách sạn đã chuyển Bác Hồ lên khu vực làm bánh và truyền nghề cho ông. Nhưng điều đó cũng không thể giữ Bác Hồ ở lại xứ sở sương mù này, bởi chất chứa trong ông là hoài bão giải phóng dân tộc...”. Len Aldis thường bắt đầu câu chuyện về Bác Hồ ở London như vậy. Gợi nhắc lại biết bao nỗi vất vả mà Bác Hồ đã phải trải qua để kiên trì tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, ông Len Aldis dường như muốn gửi gắm đến các thế hệ mai sau nhiệt huyết cách mạng và ý chí vươn lên của người đã khai sinh ra nước Việt Nam mới.
Đầu thập niên 1990, ông Len Aldis cùng với Hội Hữu nghị Anh-Việt đã nỗ lực vận động để có thể đặt tấm biển tưởng niệm Bác Hồ trên tường tòa nhà New Zealand. Việc đặt tấm biển này không phải là dễ dàng, và phải mất đến 2-3 năm với sự trợ giúp của nhiều chính trị gia nổi tiếng bấy giờ mới có thể hoàn thành. Sau đó, nơi đây đã trở thành một địa chỉ đỏ mà nhiều người Việt Nam khi qua London vẫn thường tìm đến. Và mỗi dịp sinh nhật Bác, cộng đồng người Việt tại Anh lại thêm một lần được lắng nghe câu chuyện cảm động năm xưa về người thanh niên Nguyễn Tất Thành mà Len Aldis rất đỗi ngưỡng mộ. Giờ đây, trái tim ấy đã ngừng đập để đưa Len về bên Bác. Từ năm sau, ngày sinh của Bác, chẳng ai còn được thấy một cụ già người Anh chậm dãi chống ba-toong trên hè phố Haymarket đến dự lễ. Thế nhưng, câu chuyện cảm động về Bác Hồ ở London thì sẽ mãi được khơi thêm nguồn mạch như lời tri ân gửi đến người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Yêu Việt Nam như lẽ tự nhiên
Để thực hiện phóng sự truyền hình nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã tìm đến ông vào một buổi sáng tháng 4/2015 ngay trước khi ông rời London về TP.Hồ Chí Minh dự lễ. Có ai ngờ đó là lần cuối cùng, chúng tôi được gặp và trò chuyện với ông - một tâm hồn bình dị và hết lòng vì Việt Nam. Khi thông báo về sự ra đi của ông, trang tin "East London News" ngày 29/11 viết rằng: "Kể từ nay, người dân Việt Nam và cả khu vực phía Đông thủ đô London sẽ mất đi một người bạn tốt". Đúng như vậy! Sống giản dị và luôn hướng đến Việt Nam, ông đã để lại biết bao câu chuyện về một tấm lòng nhân hậu, thủy chung. Ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, ông đã hăng hái xuống đường biểu tình phản chiến. Nhưng ngay khi chiến tranh kết thúc, ông lại tiếp tục lao vào một nỗ lực khác, không kém phần gian nan, vất vả, đó là giúp Việt Nam khắc phục hậu quả do cuộc chiến gây ra.
Sau lần đầu tiên đến thăm Việt Nam vào cuối thập niên 1980, ông càng quyết tâm thực hiện ước nguyện của chính mình. Hội Hữu nghị Anh-Việt do ông làm Thư ký đã ra đời, góp phần quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước. Hàng chục chuyến đi Việt Nam để tìm hiểu thực tế và chuyển quà từ thiện, ông đã chung tay xoa dịu nỗi đau da cam mà nhiều người dân Việt Nam vẫn ngày ngày phải gánh chịu. Không chỉ trực tiếp trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam/điôxin, ông còn lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời nhanh chóng bắt tay vào nỗ lực đi tìm công lý và đạo lý để xoa dịu nỗi đau này.
Ông đã gửi thư đến tổng thống cũng như các công ty hóa chất Mỹ để đốc thúc một giải pháp khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Cống hiến hết mình và chia sẻ nỗi đau da cam, ông thực sự đã mang đến một luồng gió mới, khơi dậy ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng. Hơn 80 tuổi vẫn sẵn sàng cho những chuyến đi vì nạn nhân chất độc da cam/điôxin, tình yêu Việt Nam của Len Aldis như một lẽ tự nhiên và rất đỗi bình dị. Tiễn ông về cõi vĩnh hằng, mấy hôm nay, bầu trời London cồn cào nổi gió và ầng ậc nước! Len Aldis ơi, chúng tôi rất nhớ ông!