Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 5/6 dẫn lời một quan chức trong Lầu Năm Góc cho biết thông tin trên. Diễn biến xảy ra ở thời điểm Trung Quốc đe dọa thay đổi xuất khẩu đất hiếm đến Mỹ - vốn nằm trong nhóm 17 khoáng sản sử dụng trong các thiết bị quân sự và đồ điện tử công nghệ cao.
Mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 trữ lưỡng đất hiếm của thế giới nhưng nắm giữ tới 80% sản lượng xuất khẩu khoáng sản này đến Mỹ. Nguyên nhân bắt nguồn từ thực tế Trung Quốc sở hữu rất nhiều cơ sở xử lý đất hiếm.
Kỹ sư Jason Nie làm việc tại cơ quan hậu cần quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc nói: “Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn cung cấp đất hiếm mới thay thế Trung Quốc. Chúng tôi muốn đa dạng thay vì chỉ một nguồn cung cấp”.
Do đó, Lầu Năm Góc đã làm việc với công ty Mkango của Malawi và Rainbow Rare Earths của Burundi về việc cung cấp đất hiếm.
Theo một báo cáo, tính đến tháng 9/2016, Lầu Năm Góc đã tích trữ số khoáng sản quan trọng trị giá 1,15 tỷ USD. Trong tài khóa 2019, Lầu Năm Góc lên kế hoạch mua tối đa 416 tấn đất hiếm từ thị trường mở, 40 tấn thiếc cùng 0,02 tấn pin lithium ion.
Trong thời gian dài, Lầu Năm Góc đã khuyến khích các nhà thầu quốc phòng mua khoáng sản nội địa tuy tại Mỹ chưa hề có cơ sở xử lý đất hiếm.
Bộ Thương mại Mỹ trong ngày 4/6 đã đề xuất những bước đi để đẩy mạnh sản xuất đất hiếm trong nước bao gồm cho vay lãi suất thấp… Bộ Thương mại Mỹ đồng thời kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của Washington về đất hiếm.