Theo báo Anh The Guardian, truyền thống suốt hàng thế kỷ tại Hàn Quốc quy định mỗi đứa trẻ đều được tính là 1 tuổi ngay khi chào đời. Điều này có nghĩa là những đứa trẻ sinh vào đêm giao thừa nghiễm nhiên đã 2 tuổi ngay khi đồng hồ bắt đầu điểm thời khắc bước sang năm mới.
Khi được người nước ngoài hỏi tuổi, nhiều người sẽ trả lời cả “tuổi Hàn Quốc” và “tuổi quốc tế”, kèm theo lời giải thích khiến người hỏi khá bối rối.
Nguồn gốc của cách tính tuổi truyền thống vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một giả thiết cho rằng đứa trẻ sinh ra đã được một tuổi là do tính 9 tháng 10 ngày ở trong bụng mẹ làm tròn thành một năm. Trong khi đó, các giả thiết khác thì giải thích hệ thống số châu Á cổ đại không có khái niệm về số 0.
Nhằm chấm dứt truyền thống tính cộng tuổi, nghị sĩ Hàn Quốc Hwang Ju-hong trình lên chính phủ dự luật dùng tuổi quốc tế trong các văn bản chính thống và khuyến khích người dân sử dụng nó trong đời sống hàng ngày. Ông cho biết nhiều người lo ngại cách tính tuổi này sẽ làm cho Hàn Quốc – nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đồng thời là gã khổng lồ về công nghệ toàn cầu - bị tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới.
“Vấn đề lớn nhất là tuổi quốc tế và tuổi được sử dụng trong đời sống hàng ngày lại hoàn toàn khác nhau. Tuổi quốc tế được sử dụng tại tòa án, bệnh viện và các cơ quan, trong khi tuổi Hàn Quốc được dùng trong đời sống. Phương pháp tính tuổi khác nhau này có thể gây ra nhiều phiền phức và dễ nhầm lẫn”, nghị sĩ Hwang Ju-hong lý giải.
Quan điểm của nghị sĩ Hwang đã được ủng hộ rộng rãi từ nhiều người dân và các nghị sĩ khác. Những bậc cha mẹ có con sinh vào tháng 12 lo ngại rằng nếu tính tuổi như vậy, con cái họ sẽ gặp nhiều bất lợi khi phải học chung với những đứa trẻ lớn hơn 2 tuổi, vì theo cách tính của người Hàn Quốc thì chúng bằng tuổi nhau.
Ông Hwang cũng nhấn mạnh rằng một số quốc gia như Trung Quốc đã bỏ hệ thống tuổi truyền thống sau Đại Cách mạng Văn hóa. Nhật Bản cũng đã chấp nhận cách tính theo tuổi quốc tế vào đầu thập niên 90, còn Triều Tiên đã bắt đầu sử dụng tuổi quốc tế từ năm 1985.
Cô Kim Sun-mi, có con gái chào đời ngày 30/12/2018, cho biết muốn tính tuổi con theo tuổi quốc tế vì đứa bé vẫn còn rất nhỏ. Cô nói: “Tôi nghĩ sẽ bắt đầu sử dụng tuổi Hàn Quốc khi con gái lớn hơn một chút. Hệ thống tuổi của Hàn Quốc thực sự gây nhiều bất lợi cho trẻ em sinh vào cuối năm”. Cô Kim cho biết rất vô lý khi đứa trẻ đón sinh nhật 2 tuổi chỉ hai ngày sau khi ra đời.
“Tôi thậm chí đã đọc được một số bài viết trên mạng xã hội dạy cha mẹ lập kế hoạch mang thai để không sinh con trùng vào thời điểm cuối năm. Một số người khác thậm chí còn lách luật bằng cách khai sinh cho con vào tháng 1 năm sau thay vì để cuối năm trước. Hy vọng dự luật này sẽ được thông qua", cô Kim chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Hàn Quốc đều đồng ý cho rằng cách tính tuổi truyền thống là lỗi thời, bởi họ cho rằng điều này phản ánh tầm quan trọng của lịch âm trong xã hội Đông Á, trái ngược với lịch Mặt Trời ở các nước phương Tây.
Ông Yoo-seung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông, Đại học Dankook đánh giá: “Việc thống nhất tính tuổi theo hệ thống tuổi quốc tế đồng nghĩa với việc phá vỡ các quan niệm truyền thống về thời gian dựa trên lịch Mặt Trăng. Một số người cho rằng vô lý khi những đứa trẻ sinh ra vào tháng 12 đã 2 tuổi chỉ sau vài ngày, nhưng điều này cũng tương tự tuổi quốc tế. Hai đứa trẻ sinh cách nhau gần 12 tháng đều được coi là 0 tuổi khi chào đời. Tại sao hệ thống tuổi Hàn Quốc và quốc tế không thể tồn tại song song giống như Tết Nguyên Đán và Giáng sinh?”
Kim Yun-soo, một người dân sống tại Seoul, 32 tuổi cho rằng không nên đổi mới cách tính tuổi truyền thống. Anh chia sẻ: “Hệ thống tuổi Hàn Quốc bắt nguồn từ việc ghi nhận thời gian đứa trẻ hình thành từ bào thai của mẹ. Đó là một phần trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Tôi không hoàn toàn phản đối việc dùng hệ thống tuổi quốc tế nhưng tôi thấy không cần thiết phải áp đặt lên tất cả mọi người”.