Theo đài RT ngày 20/10, ông Rinkevics nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh TV3 của Latvia vào tối 19/10: “Tôi sẽ nói rằng nếu chúng ta chứng kiến những sự cố kiểu này thì theo tôi biết, NATO chỉ cần đóng cửa Biển Baltic đối với tàu bè. Điều này có thể thực hiện được”. Sau đó, Văn phòng Tổng thống Latvia nói rõ rằng ông Rinkevics đặc biệt muốn nói đến hoạt động vận chuyển trên biển của Nga chứ không phải tất cả hoạt động giao thông hàng hải.
Ông Rinkevics cho biết điều này chưa được thảo luận trong nội bộ NATO, vì cuộc điều tra về sự cố với đường ống khí đốt Balticonnector vẫn đang diễn ra, nhưng việc ra lệnh cho hải quân phong tỏa trên biển là một trong những phương án được cân nhắc. Ông nói thêm: “Tất nhiên, đó cũng là vấn đề liên quan một loạt luật biển quốc tế”.
Theo luật pháp quốc tế, việc hải quân phong tỏa trên biển được coi là một hành động chiến tranh.
Balticonnector là đường ống dẫn khí đốt dưới biển nối kho cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Phần Lan với Estonia. Đường ống này đã ngừng hoạt động ngày 8/10 do mất áp suất đột ngột. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã cáo buộc một nhân tố bên ngoài liên quan đến vụ phá hoại đường ống này cũng như hai dây cáp dữ liệu gần đó.
Việc đóng cửa Biển Baltic đối với tàu Nga có nghĩa là sẽ phong tỏa cảng thương mại lớn thứ hai của Nga là cảng St. Petersburg. Hành động này cũng sẽ cắt đứt Vùng Kaliningrad khỏi đất liền Nga, vì giao thông đường bộ qua Estonia, Latvia và Litva đã bị chặn do lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu.
NATO ngày 19/10 thông báo sẽ tăng cường tuần tra ở Biển Baltic sau sự cố với Balticonnector. Trong một tuyên bố, NATO nêu rõ: “Các biện pháp gia tăng bao gồm các chuyến bay giám sát và trinh sát bổ sung, có sự tham gia của máy bay tuần tra hàng hải, máy bay AWACS của NATO và máy bay không người lái. Một đội gồm 4 máy dò mìn của NATO cũng đang được điều động tới khu vực này”.
Người phát ngôn NATO Dylan White cho biết: “Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình cũng như giữ liên lạc chặt chẽ với các đồng minh Estonia, Phần Lan và đối tác Thụy Điển. NATO sẽ tiếp tục giữ vững vị thế hàng hải ở Biển Baltic và sẽ thực hiện mọi bước cần thiết để giữ an toàn cho các đồng minh”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho hay động thái tăng cường quân sự thể hiện các đồng minh NATO đang cảnh giác cao độ và sẵn sàng hành động. “Quyết định triển khai tuần tra bổ sung không có nghĩa là có mối đe dọa quân sự gia tăng. Thay vào đó, nó cho thấy mối quan hệ giữa các đồng minh rất bền chặt và NATO nói chung coi việc bảo vệ cơ sở hạ tầng là một vấn đề quan trọng”, vị quan chức nhấn mạnh.
NATO, Liên minh châu Âu và các chính phủ đã đặt việc bảo vệ các đường ống và dây cáp dưới biển lên hàng đầu kể từ khi các vụ nổ vào tháng 9/2022 làm vỡ các đường ống Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream) dưới Biển Baltic và cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu.
Các nhà điều tra kết luận vụ nổ này là hành động phá hoại nhưng vẫn chưa xác định được ai chịu trách nhiệm về vụ việc.
Các nhà điều tra Thụy Điển, Đan Mạch và Đức vẫn đang nỗ lực tìm ra kẻ đã cho nổ đường ống Nord Stream vào tháng 9/2022.
Vào tháng 2, phóng viên điều tra Seymour Hersh đã đăng một bài báo gây chấn động, cáo buộc chính phủ Mỹ và Na Uy đã cho nổ tung Nord Stream. Chính phủ Mỹ đã chính thức bác bỏ tuyên bố của ông Hersh, gọi báo cáo của ông là hoàn toàn sai sự thật và hoàn toàn hư cấu.
Ngay sau đó, một số cơ quan truyền thông Mỹ cho rằng một nhóm người Ukraine có thể đã làm việc đó. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng phủ nhận mọi trách nhiệm về vụ phá hoại Nord Stream.