Theo các nhà chức trách Pháp, chiếc thuyền bị chìm được cho là chở khoảng 20 người đến từ Iran và đang trên đường tới Anh. Các nạn nhân thiệt mạng gồm, gồm 2 người lớn (1 nam, 1 nữ), một trẻ 5 tuổi và một trẻ 8 tuổi. 14 người được cứu sống đã được lực lượng cứu hộ chuyển tới bệnh viện tại 2 thành phố Calais và Dunkirk. Mặc dù nhà chức trách Pháp cho rằng vẫn còn người mất tích trong vụ tai nạn, song hoạt động tìm kiếm phải dừng do trời tối.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel đã bày tỏ đau buồn trước vụ việc và cho biết phía Anh đã đề nghị cùng Pháp tiến hành điều tra vụ việc. Bà Patel nhấn mạnh vụ việc cho thấy sự nguy hiểm của việc người di cư tìm cách qua eo biển này tới Anh, đồng thời khẳng định Anh sẽ làm mọi cách để ngăn chặn những kẻ buôn người.
Khu vực miền Bắc nước Pháp từ lâu đã trở thành địa điểm chính mà những người di cư lựa chọn để tìm cách vào Anh bất hợp pháp. Họ thường sử dụng những chiếc thuyền nhỏ để vượt qua eo biển Manche hoặc trốn trong những chiếc xe tải hàng ngày chạy qua tuyến đường hầm Manche. Vấn đề này là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa Anh và Pháp. Phía Anh thường xuyên cáo buộc Pháp không làm tròn trách nhiệm để ngăn chặn các vụ vượt biên.
Liên quan vấn đề người di cư, nhật báo Thế giới (die Welt) của Đức dẫn báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 27/10 cho biết số người di cư nhập cảnh trái phép vào Liên minh châu Âu (EU) qua đường Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 70% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tin trên cho biết, trong 9 tháng đầu năm có 14.579 người di cư nhập cảnh EU từ Thổ Nhĩ Kỳ, so với 48.554 người cùng kỳ năm 2019. Đây cũng được xem là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.
Dẫn các số liệu của EC, tờ die Welt cho biết, trong số 14.579 người di cư nhập cảnh EU nói trên, 11.921 người tới Hy Lạp; 2.334 người tới Italy; 35 người tới Bulgaria và 289 người đi thuyền vượt biển đến Cyprus. Ngoài ra, tính đến quý III/2020 đã có 321.685 đơn xin tị nạn được xét duyệt tại EU, trong đó đứng đầu là Tây Ban Nha với số đơn xin tị nạn lên tới 72.500, tiếp đến là Đức với 60.694 đơn, Pháp (60.621), Hy Lạp (36.127) và Italy với 16.051 đơn. Trong số đơn xin tị nạn ở Đức có 26% là của người Syria, 9,1% của người Afghanistan và 9% là của người Iraq.
Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Bờ biển của EU (Frontex) cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể số vụ vượt biên trái phép vào châu Âu qua tuyến đường biển phía Đông Địa Trung Hải. Theo đó, số trường hợp nhập cảnh châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2020 giảm 3/4 so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2016, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về người di cư, theo đó tất cả những người di cư trái phép đã đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đưa trở lại nước này. Đây được xem là giải pháp khả thi nhằm hạn chế số lượng người di cư bất hợp pháp vào EU.
Đổi lại, EU sẽ hỗ trợ tài chính để chăm lo cho những người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi đi du lịch tại các nước thành viên khu vực Schengen và đẩy nhanh các cuộc đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Hiện có khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria đang cư trú tại Thổ Nhĩ Kỳ.