Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, dù công tác phòng chống dịch đạt nhiều tiến triển khả quan nhưng giới chức Lào vẫn hết sức cẩn trọng và tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác kiểm soát những người nhập cảnh vào Lào.
Theo quy định của Lào, mọi công dân, kể cả công dân Lào khi nhập cảnh vào nước này đều phải được lấy mẫu xét nghiệm dù có triệu chứng hay không, đồng thời phải thực hiện cách ly bắt buộc 14 ngày. Với bất cứ ai có triệu chứng nghi ngờ sẽ được đưa vào bệnh viện để theo dõi.
Trước tình trạng rất đông người Việt đổ ra các cửa khẩu biên giới để tìm cách rời Lào trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào chiều 7/5 ra thông báo cho biết, sau khi Chính phủ Lào cho phép về nước theo nguyện vọng, đã có khá đông công dân Việt Nam đăng ký với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Lào xin xuất cảnh.
Chỉ trong 3 ngày từ 4 - 6/5 đã có 1.600 công dân Việt Nam xuất cảnh khỏi Lào và nhập cảnh Việt Nam qua các cặp cửa khẩu quốc tế Lào - Việt Nam, trong đó đông nhất là tại cửa khẩu Cầu Treo với trên 800 người. Do số lượng phương tiện vận tải và cơ sở cách ly còn nhiều hạn chế, không thể cùng lúc vận chuyển và bố trí số lượng lớn bà con về khu cách ly tập trung nên dẫn đến tình trạng quá tải tạm thời, cục bộ, khiến bà con phải chờ đợi rất lâu và gây khó khăn cho cơ quan chức năng hai nước trong việc triển khai các thủ tục xuất nhập cảnh.
Chính vì vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào khuyến nghị bà con chuẩn bị xuất cảnh khỏi Lào về nước nên tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc lựa chọn những cửa khẩu khác phù hợp, vừa giúp giảm tải tình trạng căng thẳng tại cửa khẩu Cầu Treo, vừa giúp bà con có thể nhanh chóng, dễ dàng làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Tại Thái Lan, nước này tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới ở mức thấp. Ngày 7/5, giới chức Thái Lan xác nhận 3 ca nhiễm mới nhưng không ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong. Đến nay, Thái Lan có tổng cộng 2.992 ca bệnh, trong đó 55 trường hợp tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, giới chức Thái Lan đã vạch ra thời gian biểu để bước vào giai đoạn 2 của tiến trình nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt được áp đặt trong thời gian qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Người phát ngôn của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết giai đoạn 2 của tiến trình nới lỏng phong tỏa sẽ bắt đầu từ 17/5 nếu số lượng các ca nhiễm mới không tăng và dự kiến sẽ liên quan đến các doanh nghiệp lớn và việc tụ tập đông người.
Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch cho 4 giai đoạn nới lỏng, dự kiến kéo dài trong vòng 2 tháng, để hoàn toàn mở lại các hoạt động với điều kiện số lượng ca mắc mới trong tầm kiểm soát. Quốc gia Đông Nam Á này từ ngày 3/5 đã bắt đầu giai đoạn 1 nới lỏng, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5.
Cũng theo ông Visanuyothin, tất cả những người Thái Lan hồi hương từ nước ngoài phải tham gia cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Kể từ 4/4, Thái Lan đã hồi hương 4.637 công dân bị mắc kẹt ở 27 nước trên thế giới và hiện chuẩn bị đưa thêm 7.000 người nữa về nước đến cuối tháng 5. Chính phủ Thái Lan đã chuẩn bị 796 cơ sở cách ly với 20.941 giường bệnh trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu cách ly dòng người hồi hương.
Trong khi đó, Malaysia, Indonesia và Philippines ngày 7/5 lại ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này có thêm 39 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 6.467 người. Tuy nhiên, Malaysia không ghi nhận thêm ca tử vong và tổng số ca tử vong vẫn là 107 người.
Indonesia thông báo 338 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh tại nước này lên 12.776 người. Nước này cũng ghi nhận thêm 35 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên thành 930 người.
Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 339 ca nhiễm, theo đó tổng số ca bệnh ở nước này tăng lên 10.343 người. Nước này cũng ghi nhận thêm 27 ca tử vong và hiện tổng số người chết tăng lên 685 ca. Ngoài ra, Philippines ghi nhận thêm 112 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số ca bình phục lên 1.618 người.