Lao động nước ngoài làm việc tại Singapore. Ảnh: Straits Times |
Thông tin trên được dựa theo những thay đổi mới nhất vừa được Bộ Nhân lực Singapore (MOM) công bố. Bộ trưởng Bộ Nhân lực Sam Tan cho hay, động thái này là nhằm bảo vệ thu nhập của người lao động nước ngoài và gia đình họ thông qua việc bồi thường đầy đủ cho người lao động không may gặp phải tai nạn bất ngờ dẫn đến bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong trong thời gian làm việc tại Singapore.
Ông Tan cho biết việc điều chỉnh dựa trên cơ sở đối chiếu mức lương của người lao động nước ngoài hiện đã cao hơn cũng như sự gia tăng chi phí sinh hoạt tại quê hương của người lao động nước ngoài, kể từ lần khảo sát gần đây nhất vào năm 2008.
Trong khi đó, mức lương khởi điểm cho người lao động nước ngoài ở Singapore cũng đã tăng từ trung bình 300 SGD trong năm 2012 lên khoảng 550 SGD vào năm 2016. Dự kiến, với mức bồi thường này thì mức phí bảo hiểm hàng năm đối với lao động nước ngoài cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 7 đến 15 SGD.
Với những thay đổi này, người lao động nước ngoài hoặc người đại diện hợp pháp của họ sẽ được quyền yêu cầu bồi thường trực tiếp với hãng bảo hiểm. Trong trường hợp người lao động hoặc người thân của họ không thể tự nộp đơn, MOM sẽ chỉ định một đại diện để thực hiện các thủ tục nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Để bảo đảm người lao động được bảo vệ trong suốt quá trình làm việc, MOM xác định thời hạn bảo hiểm được tính từ ngày người lao động đến Singapore làm việc cho đến ngày họ về nước, hoặc khi có sự chuyển đổi người sử dụng lao động thì thời điểm để xác định bảo hiểm sẽ là ngày ban hành giấy phép lao động mới.
Theo thống kê của MOM, hiện có khoảng 200.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Singapore và dự kiến con số này sẽ tăng lên khoảng 300.000 người trong những năm tới.
Trong năm 2016 vừa qua, Trung tâm Lao động trong nước (CDE) thuộc Liên minh Thương mại quốc gia Singapore (NTUC) đã giải quyết các trường hợp bồi thường bảo hiểm tai nạn cho khoảng 600 trường hợp. Bên cạnh đó, CDE cũng kêu gọi chính phủ tăng mức bảo hiểm y tế bắt buộc lên tới 15.000 SGD đối với lao động trong nước.