Việc kiểm phiếu được tiến hành từ cuối tuần trước và đến ngày hôm nay (13/11), UEC đã cho công bố kết quả mới nhất, với chiến thắng áp đảo của NLD. Đảng này đã giành thêm 24 ghế ở Hạ viện, qua đó nắm giữ 348 ghế và chiếm đa số trong Quốc hội 664 ghế. Với kết quả này, NLD có quyền tự đứng ra thành lập chính phủ mới, cũng như lựa chọn ứng cử viên cho chức Tổng thống khi Quốc hội mới nhóm họp vào tháng 3/2016.
Một chiến thắng cho đảng của thủ lĩnh đối lập San Suu Kyi là điều đã được dự báo từ trước. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng Tổng thống Barack Obama đã gửi lời chúc mừng tới bà San Suu Kyi vì có chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử được tiến hành cởi mở lần đầu tiên trong 25 năm qua ở Myanmar. Hai nhà lãnh đạo này cũng ca ngợi Tổng thống Thein Sein vì đã thúc đẩy và thực thi kì bầu cử có tính lịch sử này – điều mà ông Ban Ki-moon nói là xuất phát từ sự “dũng cảm và có tầm nhìn”.
Người dân ủng hộ NLD tuần hành ở Yangon sau khi kết quả bầu cử đầu tiên được công bố. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trước báo giới ngày 12/11, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes đánh giá cao việc người dân Myanmar tham gia bầu cử với tỉ lệ lớn, cùng với đó là việc giới lãnh đạo cầm quyền cam kết sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. “Đây là cơ hội tạo đà cho người dân Myanmar. Chúng tôi rất chú tâm đến cuộc bầu cử này. Đó là bước ngoặt quan trọng để đánh giá chuyển đổi dân chủ ở Myanmar”, ông Rhodes bày tỏ.
Vị quan chức này cũng khẳng định, ông Obama sẽ gặp Tổng thống Thein Sein cùng với nhiều nhà lãnh đạo khu vực khác trong chuyến công du châu Á trong tháng này. Ông chủ Nhà Trắng đã thăm Myanmar 2 lần trong 3 năm qua và xem việc chuyển đổi ở Myanmar là một di sản trong chính sách đối ngoại của mình trong 2 nhiệm kì làm tổng thống. Trong cuộc điện đàm với bà San Suu Kyi, ông Obama đã giành những lời ngợi ca cho những nỗ lực và sự hy sinh không mệt mỏi của bà trong nhiều năm qua.
Nhiều việc phải làmLãnh đạo thế giới cũng bày tỏ quan ngại trước việc nhiều người dân Myanmar không thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này. “Ngài Tổng thư ký lấy làm tiếc trước việc có nhiều cử tri thuộc các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là người Rohingya, đã không được quyền bầu cử. Một số người thì bị đánh trượt tiêu chí để ra tranh cử. Nhiều công việc khó khăn vẫn còn ở phía trước trong tiến trình cải cách ở Myanmar, cũng như hướng đến những cuộc bầu cử thực sự phổ thông trong tương lai”, ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên Tổng thư ký cho biết.
Chính phủ Myanmar hiện không cấp quy chế công dân cho người Rohingya thiểu số gốc hồi giáo. Những cuộc đụng độ giữa nhóm thiểu số này với người phật giáo đã đẩy hàng trăm ngàn người Rohingya phải ly hương, chạy nạn và là nguyên nhân đưa tới khủng hoảng di cư ở khu vực. Bà San Suu Kyi bị chỉ trích là đã “không giúp gì nhiều” trong việc bảo vệ người hồi giáo thiểu số. Vấn đề sắc tộc gắn với người Rohingya sẽ là thách thức lớn nhất mà chính quyền mới phải đối mặt.
Với chiến thắng đã được công nhận, NLD sẽ hướng trọng tâm vào việc lựa chọn ứng cử viên Tổng thống, kế hoạch thành lập chính phủ. Theo Hiến pháp 2008, Tổng thống là người đứng đầu và điều hành cơ quan hành pháp, ngoại trừ 3 bộ sức mạnh là Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Biên giới do Quân đội nắm giữ. Theo hệ thống bầu gián tiếp, Thượng viện, Hạ viện và khối quân đội trong Quốc hội mỗi bên sẽ đề cử một ứng viên. Lưỡng viện sau đó sẽ tiến hành bầu lựa chọn từ 3 ứng cử viên – những người không nhất thiết phải là nghị sĩ. Người có số phiếu cao nhất sẽ trở thành Tổng thống và nhân vật này đứng ra thành lập chính phủ. Hai ứng viên còn lại sẽ là Phó Tổng thống, với quyền lực và trách nhiệm mang tính chất biểu tượng.
Việc bầu chọn tổng thống sẽ diễn ra sau khi các nghị sĩ khóa mới nhóm họp vào tháng 2/2016. Tổng thống sẽ lên nắm quyền vào tháng 3/2016. Điều 57 trong Hiến pháp không cho phép bà San Suu Kyi trở thành tổng thống, do chồng (đã mất) là người nước ngoài và các con của bà hiện mang quốc tịch Anh. Tuy nhiên, trong buổi trả lời phỏng vấn kênh tin tức Channel News Asia, thủ lĩnh NLD từng nói rằng “Tổng thống sẽ không có quyền lực gì hết. Tổng thống sẽ phải hành động theo quyết định của đảng và sẽ được định hướng chính xác có thể làm công việc gì”.