Những hình ảnh truyền hình cho thấy, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã tiêm chủng tại một trung tâm y tế công cộng ở trung tâm thủ đô Seoul. Ông Moon Jae-in đã tiêm chủng trước khi có chuyến công du tới Anh trong tháng 6/2021 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Ông vui vẻ chia sẻ khi thực hiện tiêm phòng: "Nếu bạn thoải mái khi tiêm chủng, sẽ chẳng có cảm giác đau đớn chút nào cả".
Từ ngày 23/3, Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm chủng vaccine của AstraZeneca cho người từ 65 tuổi trở lên sau khi tạm hoãn chờ kết luận của các chuyên gia về tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này. Giới chức y tế Hàn Quốc trong ngày trước đó cũng đã khẳng định họ không phát hiện bằng chứng nào chứng tỏ mối liên hệ giữa vaccine của AstraZeneca và các trường hợp xuất hiện cục đông máu như báo cáo tại một số nước châu Âu.
* Cùng ngày, truyền thông Litva đưa tin một loạt quan chức cấp cao của nước này, gồm Tổng thống Gitanas Nauseda, Thủ tướng Ingrida Simonyte, Chủ tịch Quốc hội Viktorija Cmilyte-Nielsen và Bộ trưởng Y tế Arunas Dulkys, đã tiêm chủng mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca.
Phát biểu trước báo giới sau khi tiêm chủng, Tổng thống Nauseda bày tỏ tin tưởng kết quả đánh giá của giới khoa học và chuyên môn về tất cả các loại vaccine và tất cả các nhà phát triển vaccine. Ông kêu gọi người dân đừng trì hoãn hay e ngại mà hãy tiêm chủng loại vaccine mà họ mong muốn và lựa chọn.
Việc lãnh đạo các nước sử dụng vaccine của AstraZeneca tiêm chủng nhằm trấn an người dân sau các báo cáo về hàng chục trường hợp xuất hiện cục đông máu hay huyết khối tĩnh mạch não sau khi tiêm chủng vaccine này. Tuy nhiên, cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) đều khẳng định vaccine này an toàn và hiệu quả trong phòng chống COVID-19. Nhiều nước trên khắp thế giới như Đức, Pháp, Thái Lan,... đã tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca cho chương trình tiêm chủng quốc gia.
Hiện AstraZeneca đang chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép sử dụng tại Mỹ sau khi cuộc thử nghiệm giai đoạn sau cùng của vaccine này được thực hiện tại Mỹ, Chile và Peru cho thấy vaccine đạt hiệu quả 79% phòng chống SARS-CoV-2 và 100% ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh COVID-19 và giảm thiểu nguy cơ phải nhập viện điều trị.