Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức biện minh cho hành động không kích Syria

Ngày 14/4, lãnh đạo các quốc gia đồng minh của Mỹ là Đức, Anh và Pháp đã lên tiếng biện minh cho hành động không kích Syria nhằm đáp trả cái gọi là các vụ tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học.

Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng về vụ không kích Syria. Ảnh: European Channel

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bà ủng hộ các vụ tấn công của liên quân Mỹ-Anh-Pháp như là một hành động “cần thiết và phù hợp” nhằm cảnh báo Syria không tái phạm việc sử dụng vũ khí hóa học, điều Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cương quyết bác bỏ.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, nhà lãnh đạo Đức nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ cách ba nước đồng minh Mỹ, Anh, Pháp thể hiện trách nhiệm của các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ… Chiến dịch quân sự này là cần thiết và hợp lý nhằm thực thi lệnh cấm quốc tế đối với các loại vũ khí hóa học, đồng thời cảnh báo chính quyền Syria không tái phạm trong tương lai”.

Tuy nhiên, Đức trước đó không tham gia chiến dịch không kích Syria cùng Mỹ-Pháp-Anh. Ngoại trưởng nước này Heiko Maas dù bày tỏ sự ủng hộ, song nhấn mạnh đến một giải pháp chính trị nhằm giải quyết triệt để vấn đề Syria.

Trong khi đó, ngay sau khi cuộc không kích kết thúc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố “lằn ranh đỏ” tại Syria đã bị vượt qua với cuộc tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Douma.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Phát biểu với báo giới, ông Macron nói rằng hàng chục phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng vì vũ khí hóa học ở Douma ngày 7/4/2018. Đây rõ ràng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, cũng như xâm phạm “giới hạn đỏ” mà Pháp đề ra vào tháng 5/2017. 

Tổng thống Pháp nêu rõ: “Cách đáp trả của chúng tôi là hành động có giới hạn nhằm vào năng lực sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học của Chính phủ Syria. Từ tháng 5/2017, các ưu tiên của Pháp tại Syria là chấm dứt cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tạo điều kiện để dân thường tiếp cận viện trợ nhân đạo và khởi xướng một nỗ lực nhằm đạt được giải pháp chính trị mang lại hòa bình ổn định cho Syria và khu vực”. 

Từ Số 10 phố Downing, Thủ tướng Anh Theresa May cũng lên tiếng biện minh cho quyết định tham gia chiến dịch không kích Syria cùng với Mỹ và Pháp, thậm chí không cần tham vấn trước với Quốc hội Anh.

Theo nhà lãnh đạo này, Anh, Mỹ và Pháp cần phải hành động nhanh chóng nhằm phát đi một thông điệp rõ ràng tới chính quyền Damascus rằng việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ không được tha thứ.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở London ngày 14/4, Thủ tướng May cho biết liên quân đã “hành động theo đúng một lộ trình nhằm bảo vệ sự an toàn của chiến dịch và chuyển thông điệp rõ ràng tới Chính phủ Syria”. Bà Theresa May cho biết thêm hành động này cũng gửi một thông điệp tới Nga.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích hành động tấn công một quốc gia có chủ quyền của liên quân Mỹ-Anh-Pháp. Ngày 14/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova tuyên bố các phương tiện truyền thông phương Tây phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công này vì đã tuyên truyền rầm rộ những thông tin không kiểm chứng về cái gọi là quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.

Bà Zakharova nhấn mạnh Mỹ tuyên bố kết luận về vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học là dựa trên thông tin lan tràn trên các phương tiện truyền thông phương Tây, trong đó có các thông báo về triệu chứng nhiễm hóa chất độc, các đoạn video và các bức ảnh.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban An ninh và quốc phòng Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Viktor Bondarev tuyên bố Nga và cộng đồng quốc tế cần phải có biện pháp mạnh đối với cuộc tấn công Syria của Mỹ và đồng minh.

Ông nhấn mạnh hành động của Mỹ và đồng minh là tội ác chống lại thế giới và nhân loại. Nước Nga và cộng đồng quốc tế cần phải có biện pháp mạnh mẽ và cân nhắc đối với hành động này. Tuy nhiên, nước Nga không được can thiệp vào cuộc chiến tranh mà Mỹ và đồng minh đang tìm cách khơi mào tại Syria.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Aleksey Chepa, cho rằng Mỹ tấn công Syria để phủ nhận chiến thắng của Nga cùng các đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia Trung Đông này. Ông nhấn mạnh: "Mỹ đang tìm cách tiến hành các vụ tấn công để phủ nhận sự thật rằng Nga cùng chính phủ hợp pháp tại Syria và các đối tác đã chiến thắng (khủng bố)".

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev tuyên bố cuộc tấn công của Mỹ vào đồng minh vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và là cuộc tấn công vào một quốc gia có chủ quyền và rất có thể nhằm cản trở hoạt động của phái bộ Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đang điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, Chính phủ Cuba đã ra tuyên bố khẳng định cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh phương Tây nhằm vào Syria là hành động đơn phương và không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

La Habana chỉ trích vụ tấn công này là sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc của luật quốc tế và của Hiến chương LHQ, là hành động lạm dụng chống lại một nhà nước có chủ quyền, làm sâu sắc thêm cuộc xung đột trong nước và khu vực.

Tuyên bố của Chính phủ Cuba nêu rõ Mỹ đã tiến hành tấn công Syria mà không đưa ra được bằng chứng về việc nước này đã sử dụng vũ khí hóa học, và bất chấp việc Ban Thư ký kỹ thuật của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã thông báo sẽ triển khai một phái đoàn để điều tra tại Douma theo như yêu cầu của Syria và Nga.

Tuyên bố nhấn mạnh với tư cách là quốc gia ký kết và thành viên của Công ước Không phổ biến vũ khí hóa học, Cuba kiên quyết bác bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, với bất kỳ đối tượng và hoàn cảnh nào. Chính phủ Cuba cũng bày tỏ tình đoàn kết với người dân và chính phủ Syria trước nhưng thiệt hại về người và vật chất do hậu quả của vụ tấn công này.

Trong khi đó, Đại sứ Syria tại Trung Quốc Imad Moustapha cùng ngày cho biết Damascus sẽ kêu gọi HĐBA LHQ có hành động chống lại "sự vi phạm trắng trợn" của Mỹ, Anh và Pháp. Ông Moustapha cũng đã cảm ơn Chính phủ Nga đã sát cánh cùng Chính phủ Syria.

Theo ông Moustapha, Nga đã giúp đỡ Syria tránh được một vụ tấn công quy mô lớn, đồng thời khẳng định chiến dịch tấn công của phương Tây nhằm vào Syria được xem là chất xúc tác làm tăng cường quan hệ đối tác giữa Damascus và Moskva.

Cùng ngày, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã lên án cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh vào Syria, cho rằng Mỹ và đồng minh đã hành động với một cái cớ bịa đặt. Ông nhấn mạnh: "Nhân danh phẩm giá, bảo vệ hòa bình và các dân tộc trên thế giới, chúng tôi kiên quyết lên án cuộc tấn công của Tổng thống Trump chống lại nhân dân Syria anh em. Mỹ và đồng minh đã từng bịa ra một loại vũ khí hủy diệt không tồn tại làm cớ tấn công Iraq và nay lại tấn công Syria với một cái cớ tương tự".

Tại trung tâm thủ đô Damascus đã diễn ra một cuộc mít tinh tự phát ủng hộ Tổng thống Basha al-Assad và quân đội chính phủ.

Trái ngược những quan điểm trên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định ủng hộ mạnh mẽ cuộc tấn công của Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào các cơ sở hóa học của Syria.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tuyên bố của ông Trudeau nhấn mạnh: "Canada ủng hộ quyết định của Mỹ, Anh và Pháp trong việc làm suy giảm nguy cơ tấn công vũ khí hoá học của chính quyền Syria đối với người dân Syria", đồng thời khẳng định Canada "sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để tiếp tục điều tra về hành vi sử dụng vũ khí hoá học ở Syria".

Video phòng không Syria đánh trả vụ không kích của liên quân:



Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Nhìn lại toàn cảnh chiến dịch không kích Syria của Mỹ, Anh, Pháp
Nhìn lại toàn cảnh chiến dịch không kích Syria của Mỹ, Anh, Pháp

Cuộc không kích rạng sáng ngày 14/4 là hành động can thiệp quân sự lớn nhất của các cường quốc phương Tây vào cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN