Ý tưởng về một hiệp ước như vậy từng được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11 năm ngoái. Một thỏa thuận kiểu này sẽ giúp bảo đảm quyền tiếp cận toàn diện và công bằng đối với vaccine, thuốc chữa bệnh, chẩn đoán bệnh khi thế giới đối diện với đại dịch.
Đến ngày 29/3, ý tưởng này chính thức nhận được sự ủng hộ của WHO cùng lãnh đạo 23 quốc gia, gồm: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Fiji, Rwanda, Kenya, Hy Lạp, Chile, Costa Rica, Albania, Nam Phi, Trinidad và Tobago, Tunisia, Senegal, Na Uy, Serbia, Indonesia, Ukraine.
Trong bài viết đứng tên chung được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn, 23 nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi sự ủng hộ quốc tế đối với hiệp ước đề xuất, một văn bản hướng đến việc kêu gọi các thành viên trong cộng đồng quốc tế chung tay hợp tác để giải quyết các trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai.
“Sẽ có những đại dịch, những trường hợp y tế khẩn cấp lớn khác. Không một chính phủ đơn lẻ hay một tổ chức đa phương nào có thể tự mình xử lý nguy cơ này. Chúng tôi tin rằng các nước cần hợp tác cùng nhau để hướng tới một hiệp ước quốc tế mới chuyên về sẵn sàng và ứng phó đại dịch”, lãnh đạo 23 nước nêu quan điểm.