Lãng phí thực phẩm tạo ra 8% lượng khí thái gây hiệu ứng nhà kính

Lãng phí thực phẩm, vấn nạn mà cả thế giới đang quan tâm và hầu như ai trong số chúng ta cũng mắc phải, là một trong những nội dung bao trùm không gian thảo luận tại cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.

 

Chú thích ảnh
Người dân mua thực phẩm tại chợ ở Moskva, Nga. Ảnh: TTXVN

Theo dự thảo tóm tắt báo cáo của IPCC, thế giới lãnh phí khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm mỗi năm, tương đương 25-30% số thực phẩm được sản xuất cho con người, tăng 40% kể từ năm 1970. 

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo vấn nạn lãng phí thực phẩm đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo ra 8% trong tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động của con người. Khí thải nhà kính bị coi là "thủ phạm" chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, kèm theo đó là những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cũng theo FAO, có một sự khác biệt lớn giữa thực trạng sản xuất và vứt bỏ thực phẩm ở những nước phát triển và những nước đang phát triển. Cụ thể, người tiêu dùng ở những nước giàu vứt bỏ 222 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, gần bằng tổng sản lượng thực phẩm 230 triệu tấn/ năm ở khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi. Ngoài ra, mỗi người dân ở châu Âu và Bắc Mỹ vứt đi trung bình 95-115 kg thực phẩm mỗi năm, trong khi con số này ở khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi và châu Á là 6-11kg/năm.

Nếu mức độ lãng phí thực phẩm khác nhau thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng khác nhau dựa trên sự phát triển của từng nước. Nếu ở những nước đang phát triển, 40% số thực phẩm bị vứt bỏ sau khi thu hoạch, thì ở những nước công nghiệp hóa, 40% số thực phẩm bị lãng phí ở khâu bán lẻ và tiêu dùng.

Bà Teresa Anderson, Điều phối viên chính sách khí hậu tại ActionAid, cho rằng những quốc gia ở Nam Bán cầu cần cải thiện khâu bảo quản và vận chuyển thực phẩm, đồng thời tìm giải pháp cho tình trạng thiếu đầu ra khi thực phẩm được sản xuất tại các vùng nông thôn không đến được tay người tiêu dùng. Ngược lại, vấn đề tại các quốc gia ở Bắc Bán cầu là đa số thực phẩm bị vứt đi sau khi lên kệ ở các siêu thị, trong đó chủ yếu là rau củ bị vứt bỏ do xấu mã, hoặc do kích cỡ và hình dáng.

Trên thế giới hiện có khoảng 2 tỷ người đang bị thừa dinh dưỡng hoặc béo phì, trong khi 820 triệu người phải ôm bụng đói đi ngủ mỗi tối. Theo dự thảo báo cáo của IPCC, việc tiêu thụ thực phẩm quá nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể có thể bị xem như một kiểu lãng phí thực phẩm.

Thùy An (TTXVN)
Người Anh quan tâm đến biến đổi khí hậu hơn chủ đề Brexit
Người Anh quan tâm đến biến đổi khí hậu hơn chủ đề Brexit

Theo kết quả thăm dò dư luận, đa số người Anh cho rằng biến đổi khí hậu sẽ là một vấn đề quan trọng hơn là Brexit trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN