Trong cuộc bầu cử lần này, số phụ nữ tham gia cuộc đua cao hơn hai lần so với năm 2016, với phần lớn trong số này là đến từ đảng Dân chủ.
Bà Kelly Dittmar, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Rutgers và là một học giả tại Trung tâm Chính trị và phụ nữ Mỹ, cho biết Mỹ đang chứng kiến những kỷ lục về số lượng nữ chính khách nộp đơn tranh cử, chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ và có thể được bầu chọn ở cả cấp bang cũng như cấp quốc gia trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ 2018.
Theo chuyên gia Dittmar, đây được xem là “làn sóng hồng” khi có tới 476 phụ nữ tham gia tranh cử các vị trí trong Hạ viện Mỹ, tăng mạnh so với kỷ lục trước đó là 298 người hồi năm 1992. Hơn nữa, có đến 235 phụ nữ, chủ yếu thuộc đảng Dân chủ, đã được đề cử cho các vị trí trong Hạ viện, trong khi con số khá cao năm 1992 mới chỉ đạt 167 người. Số phụ nữ tranh cử chức Thống đốc bang và giành được đề cử lần lượt là 61 và 16 người. Trước đó, con số này ở mức cao cũng chỉ đạt lần lượt là 24 và 10 người.
Tính tới trưa 7/11 (theo giờ Việt Nam), đã có ít nhất 80 đại diện nữ của các bang đã được bầu vào Hạ viện, trong khi đó còn rất nhiều các đại diện nữ khác dự kiến cũng sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua này. Trong số những phụ nữ đầu tiên được bầu vào Quốc hội, có hai phụ nữ Hồi giáo và hai phụ nữ gốc thổ dân châu Mỹ. Lãnh thổ Guam của Mỹ cũng có thống đốc bang nữ đầu tiên.
Theo bà Dittmar, kết quả của cuộc bầu cử năm 2016 và những lo ngại về chính sách “rút lui” khỏi những di sản mà kỷ nguyên cựu Tổng thống Barack Obama gây dựng dường như là một chất xúc tác và động lực để nhiều phụ nữ tham gia tranh cử trong năm 2018.
Số phụ nữ ở Mỹ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm 2018 đã đạt mức kỷ lục trong bối cảnh xã hội Mỹ đang ngày càng trở nên chia rẽ. Với việc ngày càng nhiều nữ nghị sĩ được dự đoán sẽ đắc cử, có khả năng bộ mặt của Quốc hội Mỹ sẽ thay đổi đáng kể.
Kimberley Johnson - Giáo sư phân tích xã hội và văn hóa thuộc Khoa Xã hội học, Đại học New York- dự báo các nữ nghị sĩ trong Quốc hội có thể sẽ thúc đẩy luật pháp về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nạn quấy rối tình dục và nhiều vấn đề khác.
Với tất cả các vấn đề chính trị mà Mỹ phải đối mặt hiện nay, vẫn phải chờ xem liệu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này có thể tạo ra một sự chuyển biến tích cực hay không.