Giới chuyên gia: Đánh giá tương quan hai chính đảng trong bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ

Đánh giá về cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ ngày 6/11 tới, Tiến sĩ Meena Bose, Trưởng khoa Chính sách công và dịch vụ công tại Trường Chính phủ, chính sách công và quan hệ quốc tế Peter S. Kalikow, thuộc Đại học Hofstra, New York, nhận định khả năng đảng Cộng hòa và Dân chủ chia nhau kiểm soát một viện quốc hội là rất cao. 

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tại Miami, Florida ngày 2/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, Tiến sĩ Bose dự báo đảng Dân chủ có thể giành quyền kiểm soát Hạ viện gồm 435 ghế, trong khi đảng Cộng hoà bảo toàn lực lượng tại Thượng viện 100 ghế. Theo bà, đảng Dân chủ vẫn đang đẩy mạnh các nỗ lực vận động tranh cử. Trong khi đó, đối thủ Cộng hoà không có nhiều ứng viên sáng giá đủ sức cạnh tranh ở Hạ viện, đặc biệt khi phải bảo vệ khá nhiều ghế ở Hạ viện, nhất là ở những bang mà bà Hillary Clinton từng giành phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Đề cập tới những vấn đề nóng nổi lên trong hai tuần qua trong đời sống của nước Mỹ như các vụ gửi bưu kiện chứa chất nổ tới văn phòng các chính khách Dân chủ, vụ xả súng nhằm vào người Do Thái ở Pittsburgh, làn sóng người di cư từ Trung Mỹ đổ về biên giới Mexico để tìm đường tới Mỹ cùng các biện pháp trấn áp mạnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Tiến sĩ Bose nhận định đây là những vấn đề thách thức đối với chính quyền hiện nay ngay trước thềm bầu cử và gây xáo trộn chính trường nước Mỹ, khiến cử tri lo lắng về vấn đề an ninh cũng như chính trị…Tuy nhiên, theo bà, những vụ việc này không mang lại thêm lợi thế cho đảng Cộng hoà hay Dân chủ. Cử tri sẽ lựa chọn những ứng cử viên có thể tạo ra sự thay đổi. 

Tiến sĩ Bose cũng lưu ý rằng lịch sử bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường cho thấy đảng của tổng thống đương nhiệm sẽ mất ghế về tay đảng đối thủ. Nếu lịch sử này lặp lại, với kịch bản đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện với tỷ lệ sít sao, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều hành đất nước. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Bà nêu ví dụ cuộc bầu cử cơ quan lập pháp giữa nhiệm kỳ năm 1934, đảng Dân chủ thắng thế hay như năm 1998, đảng Dân chủ của Tổng thống Bill Clinton (Bin Clin-tơn) cũng giành quyền kiểm soát ở cả Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Gần đây nhất, năm 2002, dưới thời của Tổng thống G.Bush, đảng Cộng hoà của ông lại thắng thế ở cả Hạ viện cũng như Thượng viện.

Trong cuộc bầu cử ngày 6/11 tới, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu ra toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện, 35/100 ghế trong Thượng viện, 36 thống đốc bang, cùng khoảng 6.000 ghế (tương đương gần 82% tổng số ghế) trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ. Nhiều ghế do đảng Cộng hòa kiểm soát tại cả hai viện sẽ được bầu lại. Đây là cơ hội cho đảng Dân chủ giành lại thế đa số trong Quốc hội. 

Hiện đảng Cộng hòa đang là lực lượng chiếm đa số tại Quốc hội Mỹ, kiểm soát 236/435 ghế tại Hạ viện và chiếm 51/100 ghế tại Thượng viện. Trong kỳ bầu cử này, đảng Dân chủ cần giành được 23 ghế để đạt tới con số 218 ghế nhằm giữ thế áp đảo tại Hạ viện. Tuy nhiên, đảng này ít có cơ hội giành lại quyền kiểm soát Thượng viện hơn. 10 ghế do đảng Dân chủ kiểm soát tại Thượng viện được bầu lại lần này đều ở những bang Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.

Hải Vân - Hoài Thanh  (TTXVN)
Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ tác động gì đến bức tranh chính trị toàn cầu?
Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ tác động gì đến bức tranh chính trị toàn cầu?

Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ năm 2018 đang được truyền thông thế giới quan tâm sát sao. Lý do bắt nguồn từ thực tế rằng kết quả của sự kiện này sẽ phản ánh “sức bền” và chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng như ảnh hưởng từ điều này với toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN