Kênh CNBC cho biết cả đồng minh và đối thủ của Mỹ quan tâm là kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bởi nó sẽ phần nào phác họa bức tranh 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump cũng như liệu ông có ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa hay không (nhiệm kỳ 2).
Từ đây, cả đồng minh và đối thủ của Mỹ sẽ ra quyết định về hướng đi đối với các vấn đề gây tranh cãi như căng thẳng Mỹ-Iran, đàm phán với Triều Tiên, lệnh trừng phạt Nga, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, châu Âu.
Điều thứ hai được quan tâm về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này là nền dân chủ Mỹ. Các đồng minh lo ngại rằng hình mẫu nền dân chủ Mỹ đang mất đi sức hút.
Cựu Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống George W. Bush gần đây nhận định với kênh CNN rằng: “Nếu bạn lo lắng về Mỹ thì chúng tôi sở hữu rất nhiều công cụ để thực hiện chính sách đối ngoại thành công đồng thời đem đến thịnh vượng và an ninh cho người dân Mỹ. Nhưng ‘thương hiệu Mỹ' đang dao động trên trường quốc tế”.
“Lá phiếu không chỉ là trưng cầu ý dân về 2 năm đầu cầm quyền của Tổng thống Trump mà còn về phong cách chính trị mà ông này đại diện. Nền kinh tế Mỹ vẫn chưa tạo ra phát triển bền vững. Chính trị Mỹ hiện khá cố chấp, thiên hướng bảo thủ. Còn một danh sách dài các vấn đề xã hội, ngân sách, nhập cư mà chúng ta trong nhiều năm qua hiểu rằng cần phải giải quyết nhưng lại chưa thực hiện được… Chúng ta cần phải giải quyết một số những câu hỏi vốn kéo dài”, ông Hadley nói.
Cuối cùng, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ tác động tới chính trị toàn cầu. Chủ trương “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump cũng tạo cảm hứng cho lãnh đạo nhiều quốc gia khác có chung quan điểm.
Một ví dụ là chính khách cánh hữu Jair Bolsonaro đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Brazil và sẽ đảm nhận vị trí Tổng thống kể từ ngày 1/1/2019 trong nhiệm kỳ 4 năm. Trong thời gian tranh cử vận động, ông Bolsonaro từng tuyên bố: “Tổng thống Trump là một hình mẫu đối với tôi… và về nhiều khía cạnh là đối với cả Brazil”.
Không chỉ bản thân Tổng thống Trump mà môi trường xã hội và chính trị Mỹ đã gây ảnh hưởng tới toàn thế giới. Ví dụ như phong trào “Me too” khi nữ giới lên tiếng tố cáo nạn tấn công tình dục đã lan ra khắp nơi trên thế giới.
Chắc chắn ngày 6/11 này diễn biến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và số ghế của đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ tại lưỡng viện quốc hội Mỹ sẽ là thông tin nóng trên truyền thông.
Tại Thượng viện khóa 115, “Những chú voi” (biệt danh của đảng Cộng hòa) đang giữ đa số với 51 ghế, đảng Dân chủ giữ 49 ghế (tính cả 2 Thượng nghị sĩ độc lập nhưng tham gia Hội nghị toàn quốc của đảng Dân chủ). Cuộc bầu cử năm nay có 35 Thượng nghị sĩ phải bầu lại, trong số đó 24 ghế đang do đảng Dân chủ giữ, 2 ghế thuộc về Thượng nghị sĩ độc lập thân Dân chủ và 9 ghế trong tay đảng Cộng hòa. Như vậy, để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, phe Dân chủ phải bảo toàn số ghế hiện có và giành thêm được 2 ghế mới. Nhiệm vụ của đảng Cộng hòa có phần ít áp lực hơn, khi họ chỉ cần đánh bại đảng Dân chủ tại 6 bang dao động. Theo kết quả thăm dò của trang mạng Five Thirty Eight, tỷ lệ đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện sau cuộc bầu cử năm 2018 lên tới 68,5%.
Tại Hạ viện khóa 115, đảng Cộng hòa hiện giữ 235 ghế, phe Dân chủ giữ 193 ghế, ngoài ra còn có 6 ghế trống. Để chiếm đa số tại Hạ viện, mỗi đảng cần có được 218 ghế. Phe Cộng hòa đang tìm cách bảo vệ thế đa số tại cơ quan lập pháp này, trong khi phe Dân chủ đặt nhiều hy vọng hơn vào cuộc đua tại Hạ viện. “Những chú lừa” (biệt danh của đảng Dân chủ) sẽ cố gắng giành thêm ít nhất là 23 ghế nữa để nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Dân chủ đang có lợi thế, nhiều khả năng sẽ đánh bại đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin Reuters, một số cuộc đua vẫn rất sít sao và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay thật sứ khó lường.