Theo Cơ quan Người Hàn Quốc ở nước ngoài, số lượng thường trú nhân tái định cư tại Hàn Quốc sau khi có thị thực lưu trú dài hạn, hoặc thẻ thường trú nhân ở nước ngoài đã tăng lên trong những năm gần đây. Năm 2019, con số này là 1.478 người, tăng lên 1.676 người vào năm 2020, ở mức 1.812 người vào năm 2021, 1.736 người vào năm 2022 và kỷ lục 1.742 người vào năm 2023.
Chi phí sinh hoạt, an toàn, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe là một số yếu tố khiến một số người Hàn Quốc trở về quê hương.
Một số video trên nền tảng YouTube chia sẻ về thực tế khắc nghiệt của cuộc sống nhập cư và lý do nhiều người lựa chọn trở về quê hương đã lan truyền rộng rãi trong thời gian gần đây.
Trong số đó có YouTuber sở hữu tài khoản hyuncouple. Gia đình này vừa trở về Hàn Quốc sau khi chuyển đến Canada vào cuối năm 2018. Thường trú nhân là mục tiêu cuối cùng của anh khi gia đình rời khỏi đất nước. Nhưng giấc mơ Canada của anh nhanh chóng mất đi sức hấp dẫn sau vài năm sống ở đó.
“Thực tế cuộc sống của người nhập cư ở Canada khá khắc nghiệt. Sống ở Hàn Quốc cũng có những ưu và nhược điểm, nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định quay về. Chúng tôi cũng nhớ gia đình ở quê hương”, anh chia sẻ trong một video.
YouTuber có tài khoản Konglish Bubu, cặp vợ chồng sống ở Thung lũng Silicon, cũng cho biết họ có kế hoạch chuyển về Hàn Quốc sinh sống vào đầu năm sau khi nghỉ hưu.
“Cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng tiếp cận các dịch vụ địa phương ở Hàn Quốc thuận tiện hơn so với Mỹ. Tiền thuê nhà hàng tháng, thuế và ăn uống tại nhà hàng ở đây rất đắt đỏ”, người vợ chia sẻ.
YouTuber có tên Captain Seung, người đã sống khoảng 10 năm ở Kansas trước khi trở về Seoul vào cuối năm 2023, cho biết thật nhẹ nhõm khi được trở về quê hương. Cô đã chia sẻ về 4 điều khiến cô muốn sống ở Hàn Quốc. Theo cô, ngoài chi phí ăn uống rẻ hơn so với Mỹ, Hàn Quốc còn an toàn hơn. Đất nước này có rất nhiều camera an ninh trên tất cả các đường phố, từng khu nhà. Hệ thống giao hàng nhanh chóng và văn hóa giao hàng cũng khiến cuộc sống trở nên thuận tiện hơn.
Giới chuyên gia nhận định nhiều yếu tố khác nhau - từ cảm giác thân thuộc đến dịch vụ chăm sóc y tế - đã thúc đẩy xu hướng “di cư ngược” này.
Ông Seol Dong-hoon, Giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Jeonbuk, bình luận: “Bản năng tự nhiên của con người là có cảm giác thân thuộc với quê hương khi già đi. Ngoài ra, khát khao được trở về quê hương có thể mãnh liệt hơn đối với những người đang gặp khó khăn khi sống ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ từng trải qua nạn phân biệt chủng tộc hoặc rào cản ngôn ngữ”.
Ngoài ra, yếu tố kinh tế cũng thúc đẩy xu hướng này. Theo Giáo sư Seol, Hàn Quốc là một quốc gia phát triển. Nước này cung cấp dịch vụ y tế tốt hơn so với Mỹ hay Anh. Thực tế là những người lớn tuổi muốn quay trở về Hàn Quốc sau khi nghỉ hưu vẫn có thể nhận được lương hưu cơ bản bất kể hoàn cảnh tài chính của họ như thế nào.
“Do đó, chính phủ nên thảo luận về cách để thường trú nhân tái định cư tại Hàn Quốc có thể thực hiện nghĩa vụ pháp lý, thay vì chỉ hưởng các chế độ lương hưu”, ông nói.
Từ năm 2011, Bộ Tư pháp đã triển khai hệ thống quốc tịch kép cho phép công dân Hàn Quốc sống ở nước ngoài trên 65 tuổi được khôi phục quốc tịch và cư trú tại Hàn Quốc, với điều kiện họ không thực hiện các quyền với tư cách là công dân nước ngoài.
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi, tổng số tiền lương hưu cơ bản được cấp cho những người có quốc tịch kép là 21,2 tỷ won vào năm ngoái, tăng gấp chín lần so với 2,28 tỷ won vào năm 2014. Số lượng người cao tuổi có nhiều quốc tịch nhận lương hưu cơ bản cũng tăng gấp 5 lần - từ 1.047 người vào năm 2014 lên 5.699 người vào năm 2023.