Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, tại thủ đô Baghdad, người biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng đã tụ tập ở quảng trường Tahrir ở trung tâm thành phố. Còn ở Samawah, nhiều người đã tham gia cuộc biểu tình ngồi trong hơn một tuần để bày tỏ sự bất bình về cái mà họ gọi là “hành vi biển thủ hàng tỷ USD ngân sách nhà nước trong 2 năm qua". Trong khi đó, tại thành phố Basra, các thủ lĩnh bộ lạc và chức sắc tôn giáo đã tham gia cùng với hàng trăm người biểu tình tập trung ở trước cửa trụ sở chính quyền tỉnh.
Kênh truyền hình Press TV cho biết các lực lượng an ninh Iraq đã được triển khai tới các khu vực ở miền Nam nước này để giải tán các cuộc biểu tình đồng thời đảm bảo an ninh và duy trì trật tự. Theo thống kê, kể từ đầu tháng 7 đến nay đã có 14 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương do các vụ đụng độ tại các buộc biểu tình.
Vấn nạn tham nhũng, dịch vụ công yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp cao, giá hàng hóa đắt đỏ là những nguyên nhân chính gây ra làn sóng biểu tình tại Iraq, bắt đầu từ tỉnh Basra ngày 8/7, sau đó lan sang các tỉnh và thành phố khác ở miền Nam. Để xoa dịu sự giận dữ của người biểu tình, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi Haider al-Abadi đã công bố các kế hoạch nhằm tạo ra 10.000 việc làm mới trong các cơ quan nhà nước, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan liên quan tìm kiếm những giải pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề thiếu điện và nước sạch cho người dân.
Thực tế, Iraq đang lâm vào cảnh rất khó khăn về tài chính do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm, trong khi phải gánh chịu nhiều chi phí cho các cuộc giao tranh, xung đột triền miên. Do ngân sách hạn hẹp, chính quyền Baghdad không thể thực hiện đầy đủ các kế hoạch phát triển cả ở cấp quốc gia lẫn địa phương và hiện đang phải “giật gấu, vá vai” để cung cấp những dịch vụ công cộng cơ bản, trong đó có điện và nước sạch cho người dân.