Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát đã tăng 0,6% do giá xăng phục hồi. Đây là lần đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng sau 3 tháng giảm liên tiếp do các lệnh đóng cửa nhằm kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2012. Tuy nhiên, dữ liệu này không tính đến số ca nhiễm đang tăng lên tại một số bang, buộc nhà chức trách phải khôi phục một số biện pháp hạn chế.
Sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những tháng gần đây, giá xăng của Mỹ trong tháng 6 đã tăng 12,3%, chiếm một nửa mức tăng chung trong CPI. Trước đó, vào tháng 4, giá mặt hàng này đã giảm tới hơn 20%. Trong khi đó, giá thực phẩm tiếp tục tăng vào tháng 6, nhưng chậm hơn so với hai tháng trước đó. Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng 0,5%, trong khi giá nhà chỉ tăng 0,1%. Giá xe mới không đổi, trong khi giá ô tô cũ giảm 1,2%.
Nếu không tính những mặt hàng có giá biến động cao như thực phẩm, năng lượng, chỉ số CPI lõi chỉ tăng 0,2%, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 2 vừa qua. Oxford Economics nhận định các số liệu trên cho thấy mối lo về giảm phát đã dịu đi, nhưng quá trình phục hồi nhu cầu chậm sẽ khiến tốc độ tăng lạm phát giảm bớt trong những tháng tới.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 6,1% trong năm nay. Trong khi đó, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) cho hay kinh tế Mỹ đã chính thức bước vào suy thoái từ tháng 2 vừa qua, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng dài nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo NBER, sự sụt giảm nghiêm trọng chưa từng thấy về việc làm và sản xuất, cũng như toàn bộ nền kinh tế là những yếu tố xác định kinh tế Mỹ giai đoạn này là suy thoái.
NBER lưu ý các biện pháp giãn cách xã hội nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 gây thiệt hại ở nhiều phương diện, từ ngành hàng không đến du lịch, nhà hàng…