Các quan chức cấp cao của khoảng 40 quốc gia bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu tham gia đàm phán tại Saudi Arabia vào ngày 5/8, với hy vọng cuộc đàm phán này sẽ dẫn đến thỏa thuận các điều kiện nhằm chấm dứt xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, cuộc đàm phán kéo dài hai ngày là một phần trong nỗ lực ngoại giao lớn của Ukraine nhằm xây dựng một mạng lưới ủng hộ ngoài các nước phương Tây bằng cách tiếp cận các quốc gia Nam bán cầu. Tuy nhiên, không rõ liệu cuộc đàm phán diễn ra có mục đích đưa ra một tuyên bố chung hay không.
Tại cuộc họp, đặc phái viên Ukraine - Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskyy. cho biết quốc gia này lường trước được các cuộc đối thoại "sẽ khó khăn" song quốc gia này kỳ vọng sẽ thuyết phục được nhiều quốc gia ủng hộ kế hoạch hòa bình của mình.
Về phần mình, Điện Kremlin cho hay nước này sẽ theo sát diễn biến cuộc đàm phán. Vào thời điểm Ukraine công bố kế hoạch hoà bình 10 điểm, Nga tuyên bố không đồng tình với kế hoạch đó.
Vào ngày 4/8, Trung Quốc tuyên bố sẽ cử đặc phái viên phụ trách các vấn đề Á-Âu Lý Huy đến tham gia đàm phán. Trước đây, Trung Quốc cũng đã từng đề xuất kế hoạch 12 điểm “giải vây” xung đột Ukraine.
“Chúng tôi có nhiều bất đồng và chúng tôi đã nghe những quan điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng là các ý kiến của chúng tôi cũng đã được chia sẻ", Đặc phái viên Lý Huy phát biểu ngày 5/8.
Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shri Ajit Doval cũng đã đến Jeddah để tham gia các cuộc đàm phán. Tương tự Trung Quốc, Ấn Độ là nước có mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Quốc gia này cũng tăng cường nhập khẩu dầu của Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra.