Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva và nữ cán bộ Phái đoàn đã có buổi chụp ảnh kỷ niệm cùng các nữ Đại sứ và cán bộ ngoại giao nữ các Phái đoàn của các nước tại Geneva trước hàng cờ các quốc gia thành viên tại trụ sở LHQ tại Geneva. Đây cũng là dịp để các nhà ngoại giao nữ tại Geneva tăng cường kết nối mạng lưới, hợp tác thúc đẩy sự tham gia và vai trò của phụ nữ trong Ngoại giao tại Geneva.
Tại Geneva, bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giữa nam và nữ nói riêng, chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, trao quyền cho phụ nữ trên các lĩnh vực, vì sự tiến bộ chung và phát triển bền vững trên toàn cầu, là vấn đề xuyên suốt được thúc đẩy tại hàng loạt các tổ chức quốc tế, như Hội đồng nhân quyền LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), Trung tâm thương mại thế giới (ITC), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Văn phòng Cao ủy LHQ về người tỵ nạn (UNHCR), Hội nghị Giải trừ quân bị (CD)…
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn tại Geneva nhiệm kỳ 2020-2023, tập thể cán bộ, nhân viên Phái đoàn đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thúc đẩy và bảo vệ bình đẳng giới nhằm đảm bảo công bằng xã hội và tính bao trùm của phát triển bền vững, đồng thời lồng ghép trong mọi công tác của Phái đoàn, với trọng tâm triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cùng các cán bộ Phái đoàn luôn tích cực thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới, lồng ghép với các vấn đề chuyên môn trong thảo luận tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương tại Geneva, Thụy Sỹ, đề cao chủ trương, chính sách, pháp luật và thực tiễn của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới cũng như vai trò của hợp tác quốc tế trong thúc đẩy bình đẳng giới trong việc định hình chính sách đối ngoại, giải quyết xung đột và xây dựng cầu nối giữa các quốc gia, với các chủ đề như thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em gái, quyền sức khỏe của phụ nữ, chống quấy rối và xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, trao quyền năng cho phụ nữ trên các lĩnh vực, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong môi trường số, chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ, chống bạo lực và quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc, phụ nữ trong thương mại, phụ nữ và sở hữu trí tuệ…
Đồng thời, Phái đoàn đã tích cực huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam như kết nối dự án hỗ trợ của ITC cho các doanh nghiệp nữ Việt Nam trong khuôn khổ chương trình SheTrades, hỗ trợ của WIPO dành cho nhà khoa học nữ và doanh nghiệp nữ sử dụng sở hữu trí tuệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Tại Hội đồng nhân quyền, thúc đẩy bình đẳng giới, các quyền phụ nữ và trẻ em gái cũng là một trong những trọng tâm mà Phái đoàn Việt Nam liên tục thúc đẩy, đồng thời cũng là một trọng tâm của Việt Nam trong việc đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Trong dịp Khóa họp lần thứ 53 Hội đồng nhân quyền đang diễn ra từ ngày 19/6-14/7/2023, Phái đoàn Việt Nam tích cực tham gia thảo luận về thúc đẩy các quyền của phụ nữ, và sẽ chủ trì, phối hợp với một số đối tác tiến hành tổ chức thảo luận chuyên đề về chống bạo lực, phân biệt đối xử và quấy rối trên cơ sở giới tính tại nơi làm việc.
Hoạt động của Phái đoàn tại Geneva tham gia kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ trong Ngoại giao mang ý nghĩa cao đẹp và là kỷ niệm đẹp đối với các nữ cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại của Phái đoàn, đồng thời góp phần vào nỗ lực chung của Đoàn ngoại giao tại Geneva và cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng nam nữ trong các thể chế ngoại giao, đồng thời nâng cao hiệu quả và tính đại diện của các nỗ lực ngoại giao trên toàn cầu.