Theo cuộc thăm dò mới nhất được hãng tin Reuters công bố ngày 17/4, số liệu được Trung Quốc dự kiến công bố vào ngày 18/4 sẽ cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 4,4% trong quý I so với một năm trước đó. Tuy nhiên, tính trên cơ sở hàng quý, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ giảm xuống 0,6% trong quý đầu tiên của năm nay từ mức 1,6% trong quý IV/2021.
Các dữ liệu riêng biệt về hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong tháng 3, đặc biệt là doanh số bán lẻ, có khả năng cho thấy sự giảm tốc thậm chí còn rõ ràng hơn do chịu ảnh hưởng nặng nề vì những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Các nhà phân tích cho rằng kết quả tháng 4 có thể sẽ xấu hơn khi lệnh phong tỏa được áp đặt tại trung tâm tài chính Thượng Hải và các nơi khác. Một số nhà kinh tế còn cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái đang gia tăng.
Cuộc thăm dò còn cho thấy doanh số bán lẻ, một thước đo mức tiêu thụ, có khả năng giảm 1,6% trong tháng 3 so với năm trước đó. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là kết quả kém nhất kể từ tháng 6/2020, đảo ngược mức tăng 6,7% trong 2 tháng đầu năm. Sản lượng công nghiệp có thể tăng 4,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 7,5% trong 2 tháng đầu năm, trong khi đầu tư tài sản cố định có thể tăng 8,5% trong quý I, giảm từ mức 12,2% trong tháng 1 và 2. Cuộc thăm dò cũng cho rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, cho thấy chính phủ nước này phải đối mặt với một "cuộc chiến" khó khăn trong nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5%.
Tốc độ tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại trong nửa cuối năm 2021, khi thị trường bất động sản suy giảm và chính phủ đưa ra các biện pháp chấn chỉnh quy định, khiến các nhà hoạch định chính sách đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5% này sẽ khó đạt được khi các yêu cầu phòng chống dịch làm hoạt động sản xuất bị ngưng trệ và chi tiêu của người tiêu dùng ở các thành phố lớn giảm sút.
Ông Gene Ma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Tài chính quốc tế cho biết, nền kinh tế Trung Quốc đã có một sự khởi đầu tốt trong 2 tháng đầu năm nay, khi chưa có những hạn chế về năng lượng và nhu cầu trong nước phục hồi, các biện pháp kích thích tài chính và hoạt động xuất khẩu sôi nổi. Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trong tháng 3 và các biện pháp phong tỏa được áp đặt đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và các hoạt động sản xuất. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết sẽ tăng hỗ trợ của chính phủ và các công cụ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để có thể dành nguồn tiền giúp các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.