Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (111.583 ca), Hàn Quốc (107.916 ca), Italy (63.815 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (273 ca), Nga (240 ca) và Italy (133 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82,3 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,01 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 661.000 ca tử vong.
So với tuần trước, số ca mới mắc COVID-19 toàn cầu đã giảm 22%, trong đó châu Á ghi nhận con số giảm mạnh nhất 28%, tiếp sau là châu Âu 21%, châu Phi 19%...
Các địa phương tại Trung Quốc phong tỏa để phòng dịch
Ngày 16/4, một số địa phương ở Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa mới để ngăn chặn dịch COVID-19.
Cụ thể, khu công nghiệp Sân bay Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, nơi có nhiều cơ sở sản xuất của các công ty lớn như Foxconn, thông báo lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 15/4 và biện pháp này sẽ được điều chỉnh tùy theo tình hình dịch bệnh. Theo đó, chỉ những nhân viên có giấy thông hành đúng quy định, mã số y tế hợp lệ và chứng nhận âm tính với virus mới có thể rời khu công nghiệp trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa. Chia sẻ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, giới chức khu công nghiệp trên cho biết một số phương tiện giao thông phục vụ công việc cũng được phép hoạt động bình thường.
Trong khi đó, thành phố Tây An ở Tây Bắc Trung Quốc cũng thông báo tạm thời áp lệnh phong tỏa từng phần sau khi ghi nhận hàng chục ca mắc mới COVID-19 trong tháng này.
Các biện pháp hạn chế mới được cho là sẽ tiếp tục gây thêm gián đoạn đối với chuỗi cung ứng khi các hoạt động giao hàng của các công ty tại những địa phương phong tỏa sẽ bị trì hoãn. Nhiều nhà kinh tế cũng lo ngại các biện pháp hạn chế sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Hãng sản xuất ô tô Xpeng của Trung Quốc cho rằng nhiều công ty có thể sẽ phải tạm dừng sản xuất trong tháng tới nếu các nhà cung cấp ở Thượng Hải và các vùng lân cận không được hoạt động trở lại.
Trung tâm tài chính Thượng Hải hiện là tâm dịch của đợt bùng phát mới tại Trung Quốc. Ngày 16/4, thành phố này thông báo ghi nhận 3.590 ca mắc mới có triệu chứng và 19.923 ca mắc mới không có triệu chứng. Dù hầu hết người dân tại thành phố đang thực hiện lệnh phong tỏa, nhưng số ca mắc mới tại đây vẫn chiếm phần lớn tổng số ca mắc mới ghi nhận trên cả nước.
Sáng 16/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ghi nhận 3.896 ca mắc mới có triệu chứng tại Trung Quốc đại lục trong ngày 15/4, trong đó 3.867 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra có 20.894 ca mắc mới không có triệu chứng, trong đó 20.813 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Holdings Inc. của Nhật Bản, có khoảng 373 triệu người ở 45 thành phố tại Trung Quốc đang tuân thủ lệnh phong tỏa của chính quyền địa phương, tương đương 26,4% dân số nước này.
Tổng ca mắc mới trong một tuần ở Hàn Quốc giảm
Tổng ca mắc mới trong một tuần ở Hàn Quốc đã giảm 30% so với tuần trước đó.
Ngày 16/4, Hàn Quốc ghi nhận 107.916 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với đỉnh dịch ghi nhận hơn 620.000 ca/ngày hôm 17/3.
Theo kế hoạch, từ đầu tuần tới, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ tất cả các quy định về giãn cách xã hội, trừ quy định đeo khẩu trang, đánh dấu kết thúc hơn hai năm áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19.
Đức kêu gọi người dân thận trọng dịp nghỉ Lễ Phục sinh
Mặc dù làn sóng COVID-19 hiện tại tại Đức đã qua đỉnh nhưng Viện Robert Koch (RKI) vẫn khuyến nghị người dân cần thận trọng và thể hiện trách nhiệm trong dịp nghỉ Lễ Phục sinh để tỷ lệ lây nhiễm mới không tăng trở lại.
Viện RKI cho biết tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức vẫn ở mức "rất cao" với hơn 1 triệu trường hợp nhiễm mới trong vòng một tuần. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm (hiện ở mức 1001,5 ca nhiễm mới/100.000 dân trong vòng 7 ngày, giảm 24% so với tuần trước đó). Lần đầu tiên kể từ đầu năm tới nay, số ca nhập viện mới đã giảm ở tất cả các nhóm tuổi. Cũng theo viện trên, hiện năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là khu vực chăm sóc nội trú và các giường chăm sóc đặc biệt, vẫn đang bị quá tải do nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh.
Viện RKI khẳng định diễn biến tiếp theo của đại dịch COVID-19 vẫn phụ thuộc phần lớn vào việc người dân sẽ hành động thế nào trong những ngày tới, đặc biệt là dịp nghỉ Lễ Phục sinh. Viện này kêu gọi người dân cần thận trọng, hành động có trách nhiệm trong những ngày nghỉ lễ và tiếp tục tham gia tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trước lời kêu gọi của Viện RKI, nhiều người dân tại Đức đã thể hiện trách nhiệm cao và tiếp tục tự nguyện đeo khẩu trang trong các không gian kín như cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, dù quy định này phần lớn đã được dỡ bỏ.
Theo một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu ý kiến YouGov mới công bố, 58% người dân Đức cho biết họ tiếp tục thường xuyên đeo khẩu trang tại các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị; trong khi 23% nói rằng "thỉnh thoảng" sử dụng, 19% không sử dụng. Cũng theo khảo sát, hơn 70% số người được hỏi cho biết việc đeo khẩu trang là hoàn toàn tự nguyện, 21% cho biết việc họ đeo khẩu trang là do ảnh hưởng từ hành động tương tự của những người xung quanh.
Theo quy định của luật phòng chống lây nhiễm mới được Quốc hội Đức thông qua đầu tháng này, đến nay hầu hết các quy định phòng dịch đã được dỡ bỏ. Yêu cầu đeo khẩu trang chỉ còn áp dụng tại một số nơi như bệnh viện, viện dưỡng lão, phòng khám, phương tiện công cộng.
Biến thể Omicron chiếm 100% các ca mắc mới COVID-19 tại Italy
Bộ Y tế và Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) cho biết biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện chiếm 100% các ca mắc mới COVID-19 tại nước này, trong đó dòng phụ BA.2 chiếm đa số.
Số liệu này được đưa ra sau khi Bộ Y tế Italy va ISS thực hiện cuộc 'khảo sát nhanh' với các phòng thí nghiệm vùng và Quỹ Fondazione Bruno Kessler.
Trước đó, nhà di truyền học và điều phối viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của trường đại học Naples, Massimo Zollo cho biết biến thể phụ mới của Omicron BA.2.3 hiện chiếm khoảng 20% số ca mắc mới COVID-19 tại Italy. Theo ông Zollo, biến thể BA.2.3 "có nguồn gốc từ biến thể phụ BA.2, nhưng có nhiều đột biến hơn". Ông cho biết thêm kể từ ngày 1/3, Italy đã cung cấp khoảng 10.000 mẫu virus SARS-CoV-2cho ngân hàng dữ liệu bản đồ COVID-19 quốc tế.
Trong một diễn biến khác liên quan, tổ chức y tế độc lập GIMBE của Italy cùng ngày cho biết tình trạng lây lan COVID-19 đang giảm dần tại nước này với số ca mắc mới trong tuần 6-12/4 giảm 6,5% so với tuần trước đó. Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 cũng giảm 11,4%, trong khi số bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu giảm 1,7% và số người phải nhập viện giảm 0,4%.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch GIMBE Nino Cartabellotta cho hay các số liệu cho thấy đại dịch COVID-19 đang trong giai đoạn giảm ổn định tại Italy, tuy nhiên mức độ lây lan vẫn còn cao với khoảng 60.000 ca mắc mới mỗi ngày và khoảng 1,2 triệu người dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo ông Cartabellotta, để phòng ngừa dịch bệnh, người dân vẫn cần tránh tụ tập đông người và sử dụng khẩu trang khi ở trong không gian kín.
Lo ngại về chậm tiêm mũi tăng cường ở Canada
Nhiều chuyên gia y tế Canada đang lo ngại về tình trạng chậm tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 trên cả nước. Giới chuyên gia cảnh báo rằng 2 liều vaccine ngừa COVID-19 không cung cấp đủ khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Y tế Công cộng Canada thông báo đến nay chỉ có 47% dân số của Canada, hay 57% người từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19. Bà Katharine Smart, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Canada cho rằng chính quyền các cấp và cơ quan y tế chưa làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của mũi tăng cường đầu tiên (mũi 3). Theo báo cáo của Bộ Y tế Canada, gần 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 đã hết hạn sử dụng kể từ tháng 1/2022. Đây là dấu hiệu cho thấy số người tiêm mũi cơ bản và mũi tăng cường đều giảm đáng kể.
Các chuyên gia khẳng định việc tiêm mũi tăng cường là rất quan trọng vì biến thể Omicron - hiện đang chiếm ưu thế - có thể "né" được một số tác dụng bảo vệ của 2 liều vaccine mRNA, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương. Mặc dù mũi thứ 3 và thứ 4 không ngăn hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh nhưng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa nguy cơ phải nhập viện và tử vong. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy việc tiêm 2 mũi vaccine mRNA mang lại hiệu quả 65% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện liên quan đến Omicron ở người từ 18 tuổi trở lên. Đối với những người được tiêm 3 mũi, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện tăng lên 86%.
Trước xu hướng gia tăng các ca nhiễm mới trên khắp Canada, trong tuần này, Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) đã tăng cường khuyến nghị về việc tiêm mũi 3, người lớn từ 18 tuổi trở lên nên tiêm mũi thứ 3 vaccine mRNA ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2. Các bằng chứng hiện có cho thấy 3 liều vaccine mRNA, ở một số người là 4 liều, mang lại sự bảo vệ tốt nhất. Vì biến thể Omicron vẫn còn rất mới nên vẫn chưa rõ khả năng bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng sẽ kéo dài bao lâu, nhưng hầu hết các chuyên gia y tế cho rằng có khả năng mọi người sẽ được cung cấp liều tăng cường thường xuyên, có thể tương tự tiêm phòng cúm hằng năm.
Nhiều chuyên gia cũng kêu gọi Cơ quan Y tế Công cộng và các tổ chức y tế khác ngừng sử dụng thuật ngữ “tiêm chủng đầy đủ” đối với những người đã tiêm 2 mũi vaccine mRNA phòng COVID-19. Doug Manuel, một nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu bệnh viện Ottawa và là thành viên của Mạng lưới phản ứng nhanh với các biến thể của virus SARS-CoV-2 cho rằng thuật ngữ này "không chính xác" cả về mặt khoa học và thực tế.
Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện ở mức trên 3,6 triệu, trong đó hơn 38.200 người đã tử vong.