Chuyên gia Canada lo ngại về tình trạng chậm tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nhiều chuyên gia y tế Canada đang lo ngại về tình trạng chậm tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 trên cả nước.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng 2 liều vaccine ngừa COVID-19 không cung cấp đủ khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Toronto, Canada, ngày 4/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Y tế Công cộng Canada thông báo đến nay chỉ có 47% dân số của Canada, hay 57% người từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19.

Bà Katharine Smart, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Canada cho rằng chính quyền các cấp và cơ quan y tế chưa làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của mũi tăng cường đầu tiên (mũi 3). Theo báo cáo của Bộ Y tế Canada, gần 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 đã hết hạn sử dụng kể từ tháng 1/2022. Đây là dấu hiệu cho thấy số người tiêm mũi cơ bản và mũi tăng cường đều giảm đáng kể.

Các chuyên gia khẳng định việc tiêm mũi tăng cường là rất quan trọng vì biến thể Omicron - hiện đang chiếm ưu thế - có thể "né" được một số tác dụng bảo vệ của 2 liều vaccine mRNA, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương. Mặc dù mũi thứ 3 và thứ 4 không ngăn hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh nhưng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa nguy cơ phải nhập viện và tử vong.

Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy việc tiêm 2 mũi vaccine mRNA mang lại hiệu quả 65% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện liên quan đến Omicron ở người từ 18 tuổi trở lên. Đối với những người được tiêm 3 mũi, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện tăng lên 86%.

Trước xu hướng gia tăng các ca nhiễm mới trên khắp Canada, trong tuần này, Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) đã tăng cường khuyến nghị về việc tiêm mũi 3, người lớn từ 18 tuổi trở lên nên tiêm mũi thứ 3 vaccine mRNA ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2. Các bằng chứng hiện có cho thấy 3 liều vaccine mRNA, ở một số người là 4 liều, mang lại sự bảo vệ tốt nhất. Vì biến thể Omicron vẫn còn rất mới nên vẫn chưa rõ khả năng bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng sẽ kéo dài bao lâu, nhưng hầu hết các chuyên gia y tế cho rằng có khả năng mọi người sẽ được cung cấp liều tăng cường thường xuyên, có thể tương tự tiêm phòng cúm hằng năm.

Nhiều chuyên gia cũng kêu gọi Cơ quan Y tế Công cộng và các tổ chức y tế khác ngừng sử dụng thuật ngữ “tiêm chủng đầy đủ” đối với những người đã tiêm 2 mũi vaccine mRNA phòng COVID-19. Doug Manuel, một nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu bệnh viện Ottawa và là thành viên của Mạng lưới phản ứng nhanh với các biến thể của virus SARS-CoV-2 cho rằng thuật ngữ này "không chính xác" cả về mặt khoa học và thực tế.

Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện ở mức trên 3,6 triệu, trong đó hơn 38.200 người đã tử vong.

Hương Giang (TTXVN)
Malaysia tiêm mũi tăng cường thứ hai nhằm bảo vệ nhóm dân số dễ tổn thương
Malaysia tiêm mũi tăng cường thứ hai nhằm bảo vệ nhóm dân số dễ tổn thương

Trong một phát biểu ngày 15/4, Giám đốc điều hành (CEO) công ty ProtectHealth của Malaysia, Tiến sĩ Anas Alam Faizli, nêu rõ khi Malaysia chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, điều quan trọng là phải tiếp tục bảo vệ tối ưu cho các nhóm dân số dễ tổn thương nhất, gồm người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Việc lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ hai là một trong những nỗ lực như vậy, đặc biệt trong bối cảnh Lễ hội Hari Raya – lễ hội lớn nhất của người Hồi giáo- đang đến gần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN