Theo hãng tin AFP, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho hay kinh tế Triều Tiên đã sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1997 do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ Liên hợp quốc, đại dịch COVID-19 và diễn biến thời tiết xấu.
Theo BOK, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên đã giảm 4,5% trong năm 2020, mức giảm tệ nhất kể từ năm 1997 và đảo ngược mức tăng trưởng 0,4% vào năm 2019, cũng là năm đầu tiên Triều Tiên đạt tăng trưởng dương trong 3 năm.
“Các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ liên tục của Liên Hợp Quốc, các biện pháp phong tỏa phòng chống đại dịch COVID-19 của Triều Tiên và các điều kiện thời tiết ngày càng tồi tệ hơn như mưa lớn và bão là những nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm kinh tế”, quan chức BOK phát biểu với phóng viên.
Quan chức này cho biết thêm: “Các biện pháp phòng dịch COVID-19 của Triều Tiên bao gồm phong tỏa biên giới, cách ly 30 ngày với những người có triệu chứng, cấm đi lại trong nước và hạn chế nhập cảnh tới Bình Nhưỡng”. Những động thái này đã tác động rất lớn đến nền công nghiệp sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Triều Tiên.
Các ước tính về dữ liệu kinh tế Triều Tiên của BOK được coi là đáng tin cậy nhất vì Bình Nhưỡng không tiết lộ bất kỳ số liệu thống kê nào về nền kinh tế của mình.
BOK bắt đầu công bố các ước tính của mình về kinh tế Triều Tiên từ năm 1991, dựa trên thông tin từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm các cơ quan tình báo và thương mại nước ngoài của Hàn Quốc và dữ liệu của Bộ Thống nhất của Hàn Quốc.
Phân tích dữ liệu do BOK công bố ngày 30/7 cho thấy sản lượng công nghiệp, chiếm 28% nền kinh tế Triều Tiên, giảm 5,9%, trong khi sản lượng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 7,6%. Khu vực dịch vụ, chiếm một phần ba nền kinh tế Triều Tiên, cũng giảm 4%.
Trong khi đó, kim ngạch thương mại quốc tế của Triều Tiên giảm 73,4% xuống 0,86 tỷ USD vào năm ngoái, do xuất khẩu các mặt hàng không bị trừng phạt như đồng hồ và tóc giả ước tính đã giảm lần lượt 86,3% và 92,7% do các biện pháp phòng dịch.
“Kim ngạch thương mại chiếm khoảng 21,9% GDP Triều Tiên năm 2016 ... đã giảm mạnh xuống còn 2,9% vào năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 và các lệnh trừng phạt kinh tế,” quan chức BOK cho biết.
Triều Tiên tới nay vẫn chưa chính thức ghi nhận bất kỳ trường hợp mắc COVID-19 nào, song nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào cuối tháng 6 cho biết việc không thực hiện hiệu quả các biện pháp đối phó với virus đã gây ra một “cuộc khủng hoảng lớn”. Ngoài ra, ông Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên đang gặp khó khăn về lương thực do đại dịch và những cơn bão năm 2020.
Trong tuần này, một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc am hiểu về vấn đề Triều Tiên nói với hãng tin Reuters rằng Bình Nhưỡng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ nạn đói vào thập niên 1990, được cho là khiến 3 triệu người thiệt mạng. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết có rất ít ca tử vong do đói, nhờ nguồn viện trợ của Trung Quốc và mở các kho dự trữ khẩn cấp.
Triều Tiên đã đóng cửa biên giới và ngừng giao thương với Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của nước này, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Nguồn tin trên cho biết hai nước dự kiến nối lại hoạt động thương mại sớm nhất là vào tháng 8 thông qua dịch vụ tàu chở hàng sau khi hủy bỏ kế hoạch thực hiện hồi tháng 4 do lo ngại chủ yếu về các biến thể COVID-19 dễ lây lan như biến thể Delta.
Theo đài Sputnik (Nga), hôm 27/7 vừa qua, Chủ tịch Kim Jong-un đã so sánh tình hình hiện tại ở Triều Tiên với những thử thách mà quốc gia này từng trải qua vào thời Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953).
“Đối với chúng ta ngày nay, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có và những khó khăn, vất vả do tình trạng đóng cửa kéo dài gây ra cũng không kém phần thách thức so với tình hình thời chiến”, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 68 năm Chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Kim Jong-un nhấn mạnh điều này không đáng lo lắng bởi như thường lệ Triều Tiên sẽ biến những trở ngại khó khăn ngày hôm nay thành những chiến thắng mới vĩ đại hơn.