Kinh tế suy thoái, người Iran phải bán nội tạng để sống qua ngày

Một nhóm đối lập ở Iran cho biết người dân nước này đã buộc phải bán nội tạng với giá 50.000 USD để sống sót qua ngày trong bối cảnh kinh tế tuột dốc không phanh.

Chú thích ảnh
Người dân Iran đi dọc "Phố Thận" ở Tehran. Ảnh: Dailymail

Theo tờ Dailymail, tổ chức có tên Hội đồng Phản kháng Quốc gia Iran (NCRI) trụ sở ở Paris (Pháp) cho biết buôn bán nội tạng đang là một ngành bùng nổ ở Iran trong bối cảnh kinh tế nước này chật vật dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo báo cáo của NCRI, ở thủ đô Tehran, có một con phố nhiều người tới để mời chào mua bán nội tạng nhiều tới mức phố này được gọi là “Phố Thận”.

Những người bán nội tạng khó khăn thường viết sẵn số điện thoại và nhóm máu để mời chào với hy vọng các bệnh nhân gần đó sẽ trả tiền mua. Nguyên nhân khiến họ phải đi vào con đường cùng này là vì kinh tế suy thoái.

NCRI dẫn ví dụ một số trường hợp trên trang web bán nội tạng: Một sinh viên 30 tuổi đang học để lấy bằng tiến sĩ rao bán thận để trả tiền chăm sóc mẹ tàn tật; một thanh niên 26 tuổi sẵn sàng bán thận vì khó khăn tiền bạc; có người còn muốn bán cả hai thận và tủy xương… Một số người quảng cáo bán nội tạng cho biết họ là vận động viên và có thể lực khỏe mạnh.

Chú thích ảnh
"Phố Thận" dán đầy tờ rơi của người rao bán nội tạng. Ảnh: Dailymail

Giá thị trường của gan là từ 15.000 đến 50.000 USD, còn giá thận là 10.000 USD. Tủy xương có thể có giá 10.000 USD.

Những yếu tố có thể ảnh hưởng tới giá nội tạng là tuổi tác của người bán, tình trạng của người bệnh, thời gian cần ghép tạng và mức độ khốn khó của người bán.

Theo NCRI, một số quan chức Chính phủ Iran còn tỏ ra thông cảm với việc bán nội tạng, nói rằng việc đó là chính đáng với những người sống nghèo khó. Trong báo cáo, NCRI viết: “Bi kịch của người Iran, đặc biệt là người trẻ, bán bộ phận cơ thể để tồn tại hoặc giải quyết nhu cầu cơ bản của bản thân hoặc gia đình ở một nước như Iran là một thảm họa âm thầm”.

Nhiều người trung tuổi không bán nội tạng nhưng làm môi giới giữa người mua và bán để kiếm tiền. Một người môi giới nói: “Khu vực gần bệnh viện đầy quảng cáo bán thận. Tôi ở đó cả ngày để tìm người bán. Sau hai năm, tôi thuê vài người lang thang quanh các bệnh viện để tìm khách hàng cho mình. Sau đó, tôi thuê vài người tìm cách lấy danh sách các bệnh nhân chết não từ bệnh viện và sau đó, tôi tiếp tục bán các nội tạng khác. Giờ nhiều người biết tôi, thậm chí một số một số bác sĩ còn giới thiệu tôi cho bệnh nhân. Đó là lý do tại sao danh sách người bán và người mua của tôi cứ tăng từng ngày”.

Chú thích ảnh
Người bán viết số điện thoại và nhóm máu để tìm bệnh nhân cần nội tạng. Ảnh: Dailymail

Khi nói về “Phố Thận”, báo cáo viết: “Trong cả con phố, mọi cánh cửa, bức tường, thậm chí cả gara cũng đều có số điện thoại người bán nội tạng”.

NCRI từng bị phương Tây coi là tổ chức khủng bố nhưng Mỹ đã gỡ tên NCRI khỏi danh sách đen năm 2012.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt lại các biện pháp trừng phạt Iran sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân gây tranh cãi ký năm 2015 giữa Iran và một số quốc gia.

Chú thích ảnh
Danh sách người rao bán thận trên trang web. Ảnh: Dailymail

Ngày 18/9, Tổng thống Trump đã ra lệnh áp các biện pháp trừng phạt mới sau khi Iran bị cáo buộc dùng máy bay không người lái tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia.

Các biện pháp trừng phạt đã khiến giá hàng hóa, thuốc men tăng vọt do đồng nội tệ rial sụt giảm giá trị so với đồng USD.

Lo sợ xung đột ở Trung Đông lớn dần trong bối cảnh một loạt sự cố đáng báo động diễn ra ở Vùng Vịnh khiến Mỹ và Iran khẩu chiến nóng bỏng.

Các nước châu Âu tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nhưng Iran đã tuyên bố không tuân thủ một số điều khoản và tăng cường sản xuất urani.

Tổng thống Trump từng hủy kế hoạch không kích Iran vào phút chót hồi tháng 6 sau khi Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ngoại trưởng Iran cảnh báo Tổng thống Mỹ có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh
Ngoại trưởng Iran cảnh báo Tổng thống Mỹ có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định những cáo buộc của giới chức Mỹ và các đồng minh rằng các cuộc tấn công nhằm vào những cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia là "một hành động chiến tranh", có thể nhằm mục đích lôi kéo Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến chống lại Tehran. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN