Trong những tháng đầu tiên của năm 2012, nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục xuất hiện những dấu hiệu tích cực, chứng tỏ nền kinh tế này đang trên đà phục hồi thực sự. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, kinh tế Mỹ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong suốt năm 2010 và năm 2011, tỷ lệ công nhân Mỹ bị mất việc làm dao động ở mức 9,0% - 9,2%, nhưng đến trung tuần tháng 2/2012 đã giảm xuống chỉ còn 8,3%. Đây là mức thất nghiệp thấp nhất kể từ tháng 3/2008. Như vậy, trong vòng 4 tháng qua, tỷ lệ công nhân Mỹ nộp đơn xin hưởng chế độ bảo lãnh thất nghiệp đã giảm tổng cộng 11%. Kinh tế trưởng của Moody's Capital Markets Group, ông John Lonski cho rằng sự tiếp tục tốt lên của thị trường lao động là cột mốc quan trọng báo hiệu nền kinh tế đang trên đà phục hồi thực sự. Số nhà được khởi công trong tháng 1/2012 tăng 1,8%, trong khi chỉ số bán sỉ không thay đổi so với tháng 12/2011 cũng là dấu hiệu cho thấy các công ty và người tiêu dùng Mỹ đều đang gia tăng đầu tư và chi tiêu. Với hơn 253.000 việc làm mới được tạo ra, tháng 1/2012 là tháng các công ty và doanh nghiệp Mỹ tạo được nhiều việc làm mới nhất trong vòng 9 tháng qua.
Ngày 24/1/2012, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Obama đã khẳng định, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng 2007-2009. Ảnh: THX -TTXVN.
|
Trong ba tháng qua, trung bình mỗi tháng, nước Mỹ tạo ra được trung bình 200.000 việc làm mới. Với đà trên, một số chuyên gia dự báo đến cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có khả năng giảm xuống mức 8%. Thị trường việc làm phát triển cũng đã trở thành động cơ thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ bỏ tiền ra mua số lượng ô tô nhiều hơn những tháng trước đây.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức Capital Economics, ông Paul Ashworth nói rằng: “Chúng ta đã có một vài tháng tốt lành, nhưng chiều hướng này có kéo dài hay không thì còn là một câu hỏi lớn”. Theo ông John Lonski, tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn có thể bị đe dọa bởi các cuộc khủng hoảng ở bên ngoài, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu và tình trạng bất ổn ở Trung Đông. Đây là những diễn biến nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ.
Hơn nữa, thị trường lao động tuy đã được cải thiện, nhưng tỷ lệ thất nghiệp còn lâu mới có thể giảm xuống mức 5% hoặc 6% như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Với những tác động có thể có, một số chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2012 có thể chỉ đạt 2%, thấp hơn so với mức dự báo 2,8% đưa ra trước đó.
TTXVN/Tin Tức