Mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia khi áp dụng chiến lược “sống chung với COVID-19”. Các tổ chức UNICEF và UNESCO cũng khuyến cáo trong đại dịch rằng nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng phải là trường học.
Theo khảo sát của UNESCO, hàng chục quốc gia - trong đó có Brazil, Pháp, Kazakhstan, Mexico, Palestine và Ukraine - đã áp dụng hệ thống giám sát “đèn giao thông” để đưa ra các biện pháp phòng dịch khác nhau tại trường học, tùy theo mức độ lây nhiễm như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, thông gió, cũng như điều chỉnh khoảng cách trong nhà và ngoài trời. Ngoài ra, các quốc gia này cũng phân chia các lớp học theo các trường hợp cụ thể để tránh ảnh hưởng đến tất cả học sinh trong trường. Các quốc gia như Canada, Pháp, Anh và Italy cũng đang áp dụng chiến lược xét nghiệm nhanh hàng loạt đối với học sinh.
Tại Mỹ, trước khi biến thể Omicron bùng phát, các trường học đã mở cửa an toàn nhờ tỉ lệ bao phủ vaccine cao. Theo hướng dẫn mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hồi tháng 12/2021, các học sinh tiếp xúc gần người mắc COVID-19 sẽ không cần tự cách ly và nghỉ học tại nhà. Điều kiện duy nhất là các em phải có kết quả âm tính liên tục trong những ngày sau tiếp xúc.
Biện pháp phòng dịch tại các trường học ở Mỹ được thực hiện theo chiến lược “Test to Stay”. Đây là công cụ hữu ích trong chiến lược phòng dịch theo lớp, bao gồm việc thúc đẩy tiêm chủng cho học sinh và nhân viên đủ điều kiện, yêu cầu tất cả học sinh từ 2 tuổi trở lên đeo khẩu trang trong trường học, giữ khoảng cách ít nhất 1 mét giữa các học sinh, xét nghiệm sàng lọc, thông gió, rửa tay và ở nhà khi mắc bệnh.
Dù ghi nhận số ca mắc mới gia tăng trong làn sóng Omicron, Australia vẫn quyết tâm mở cửa trường học. Hai bang đông dân nhất của nước này - New South Wales (NSW) và Victoria - đã công bố kế hoạch khai giảng năm học ngay cả khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. Giới chức cho biết sẽ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho học sinh mỗi tuần 2 lần nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại trường học. Họ cũng đề nghị các bậc phụ huynh sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh để sàng lọc COVID-19 cho con em mỗi tuần 2 lần. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, phụ huynh cần thông báo cho trường học và chính quyền.
Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh tại các trường phổ thông bắt buộc phải đeo khẩu trang, học sinh tiểu học được khuyến khích đeo khẩu trang. Các trường cũng sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các nhóm lớp cũng như hạn chế khách tới trường. Nhân viên trường học tại NSW và Victoria đều phải tiêm vaccine ngừa COVID-19. Riêng các giáo viên tham gia giảng dạy tại bang Victoria phải tiêm mũi tăng cường trước hạn chót là cuối tháng 2 tới.
Mỗi quốc gia sẽ có những cách tiếp cận khác nhau để quyết định lứa tuổi học sinh nào được quay lại trường học đầu tiên. Đan Mạch và Na Uy đã ưu tiên mở lại trường mầm non và tiểu học để giải quyết việc trông trẻ cho phụ huynh. Cách tiếp cận này được đưa ra khi giới chuyên gia cho rằng trẻ nhỏ là một trong những nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan virus thấp nhất.
Một số quốc gia khác đã ưu tiên mở cửa trường học cho học sinh cuối cấp. Ví dụ, sinh viên năm cuối ở Đức sẽ được trở lại trường để thi cuối kỳ. Giới chức cho rằng nhóm này có thể chất tốt hơn và có ý thức tuân thủ các qui định về sức khoẻ và an toàn hơn nhóm học sinh nhỏ tuổi hơn.
Hỗ trợ về mặt tinh thần - xã hội, hỗ trợ giáo viên và đảm bảo nguồn lực tài chính cũng là điều cần thiết để thực hiện hiệu quả các giao thức phòng dịch khi tái mở cửa trường học. Các trường học cũng phải đưa ra phương án dự phòng nhân sự, trong đó có việc sử dụng giáo viên đã nghỉ hưu hoặc đang đi học, tham gia giảng dạy khi thiếu giáo viên. UNESCO đã nhiều lần kêu gọi tăng cường nỗ lực tiêm chủng cho giáo viên vì tại một số ít quốc gia, giáo viên không được phân loại vào bất kỳ nhóm ưu tiên nào.
Ông Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO cho biết nếu các trường học đang lên kế hoạch đường mở cửa trở lại, chúng ta cần phải hành động nhanh chóng để đưa tất cả trẻ em trở lại trường và khắc phục những tổn thất trong học tập. Nếu không có biện pháp khắc phục và tập trung vào những học sinh dễ bị tổn thương nhất, đại dịch COVID-19 sẽ mang lại những hậu quả lâu dài nghiêm trọng. Nó không chỉ kéo lùi hàng thập niên tiến bộ về giáo dục, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng cố hữu trong việc tiếp cận giáo dục, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần và tương lai của cả một thế hệ.
Theo số liệu mới được UNESCO công bố vào ngày Quốc tế Giáo dục 24/1, đã có 135 quốc gia trên thế giới mở cửa lại trường học. Chỉ còn một số ít quốc gia, khoảng 25 nước, vẫn tạm thời hoãn mở cửa bằng cách kéo dài kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Chỉ còn trên 10 quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa trường học và chuyển hoàn toàn sang hình thức học trực tuyến thay vì học trực tiếp khi biến thể Omicron lan rộng. Con số này hoàn toàn trái ngược với cùng kỳ năm ngoái, khi hầu hết các trường học đều phải đóng cửa và việc học tập hoàn toàn phải diễn ra theo hình thức trực tuyến ở 40 quốc gia.
“Ngành giáo dục tiếp tục bị gián đoạn sâu sắc bởi đại dịch, nhưng tất cả các quốc gia hiện đều nhận thức rõ về tổn thất lớn lao của việc đóng cửa các trường học suốt 2 năm qua. Việc mở rộng tiêm chủng và những kinh nghiệm đối phó với đại dịch sẽ giúp các quốc gia thiết lập một mô hình mới dựa trên các giao thức sức khỏe và đảm bảo an toàn cho trường học”, ông Azoulay nói.