COVID-19 tới 6h sáng 28/1: Thế giới vượt 366 triệu ca mắc; Nhiều nước có hàng trăm nghìn ca mắc mới

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 3,2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 9.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 366 triệu ca, trong đó trên 5,65 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 5/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (392.168 ca), Mỹ (trên 368.000 ca) và Ấn Độ (248.697 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.118 ca), Nga (665 ca) và Ấn Độ (627 ca).

Trong 24 giờ qua, một loạt quốc gia tiếp tục ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới. Ngoài ba quốc gia  kể trên, còn có Brazil, Italy, Tây Ban Nha, Đức.

Tính từ đầu đại dịch COVID-19, Mỹ là quốc gia có số ca mắc cao nhất với trên 74,5 triệu ca mắc, trong đó trên 901.000 ca tử vong.

Trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng, các chuyên gia y tế trên toàn thế giới hy vọng rằng biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao nhưng độc lực nhẹ hơn sẽ giúp chuyển đổi COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu và có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, Tiến sĩ Gregory Poland, nhà dịch tễ học tại bệnh viện Mayo hàng đầu nước Mỹ, cho rằng dịch bệnh này có thể sẽ còn tồn tại cho tới tận thế kỷ 22.

Tiến sĩ Poland nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn chưa ở giai đoạn nào mà có thể dự đoán được dịch bệnh. Hơn nữa, thế giới chưa thể xóa sổ đại dịch này”.

Tiến sĩ Poland nêu rõ virus SARS-CoV-2 đã lan truyền và gây bệnh cho động vật. Điều này cho thấy virus có thể tiếp tục đột biến và lây lan trong một khoảng thời gian không xác định. Tiến sĩ Poland dự báo trong tương lai, rất nhiều thế hệ cháu chắt của nhân loại hiện nay cũng vẫn sẽ cần tiêm phòng vaccine COVID-19, tương tự như việc con người đang tiêm vaccine cúm vào mùa Thu để phòng ngừa virus cúm từng xuất hiện và gây ra đại dịch từ năm 1918.

Châu Mỹ:

Mỹ ghi nhận hơn 1 triệu trẻ em mắc mới COVID-19 trong 1 tuần

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn 1,1 triệu trẻ em Mỹ được chẩn đoán mắc COVID-19 trong tuần từ ngày 13-20/1 vừa qua. Con số này cao hơn 17% so với mức 981.000 ca ghi nhận 1 tuần trước đó và gấp đôi con số ghi nhận 2 tuần trước đó. Đây là dữ liệu trong báo cáo "Trẻ em và COVID-19: Báo cáo dữ liệu cấp bang" do Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện nhi cập nhật và công bố mới đây.

Chủ tịch AAP, bà Moira Szilagyi, cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ đang tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay. Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, Mỹ đã ghi nhận 10,6 triệu trường hợp trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó chỉ riêng 2 tuần vừa qua có hơn 2 triệu ca. AAP và Hiệp hội Bệnh viện nhi lưu ý rằng số liệu trong báo cáo hằng tuần căn cứ vào số liệu của từng bang.  

Theo bà Szilagyi, điều quan trọng nhất là đảm bảo các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, cách ly người bệnh, tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, giảm tải cho các bệnh viện và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có trẻ em chưa đủ tuổi tiêm phòng.

Bà Szilagyi cũng cho biết nhiều gia đình Mỹ gặp khó khăn trong suốt thời gian bùng phát đại dịch, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi khi các dịch vụ chăm sóc trẻ em rơi vào tình trạng thiếu nhân lực hoặc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn, khiến các phụ huynh thêm gánh nặng. Trong khi đó, nhiều phụ huynh khác vì lo ngại dịch bệnh lây lan đã để con ở nhà, một số khác chấp nhận rủi ro để đi làm và duy trì thu nhập.

Argentina nới lỏng nhập cảnh với người đã tiêm vaccine liều cơ bản

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Florencio Varela, Argentina. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Argentina thông báo nới lỏng các yêu cầu về y tế đối với người nhập cảnh đã hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 liều cơ bản.

Kể từ ngày 29/1, công dân Argentina và người nước ngoài đã hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 liều cơ bản trong thời gian ít nhất 14 ngày sẽ không cần thực hiện xét nghiệm trước khi nhập cảnh quốc gia Nam Mỹ này. Cùng với đó, họ cũng không phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh.

Trong khi đó, những hành khách chưa hoàn thành tiêm liều cơ bản sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành hoặc phải thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) trong vòng 48 giờ trước khi bắt đầu chuyến đi. Những người này cũng phải tuân thủ quy định cách ly 7 ngày, tính từ ngày thực hiện xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm RAT.

Chính phủ Argentina cho biết biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện chiếm hơn 84% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron phải nhập viện thấp hơn nhiều so với những người nhiễm biến thể Delta. 

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Argentina đã ghi nhận 8,2 triệu ca mắc bệnh, trong đó có khoảng 120.000 ca tử vong. Trên 34,3 triệu người, tương đương 75,7% dân số nước này, đã hoàn thành liều cơ bản vaccine phòng COVID-19.

Peru dỡ bỏ giới nghiêm ban đêm

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Piura, Peru. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Peru Hernando Cevallos cho biết chính phủ nước này đã quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ 0h-4h sáng hằng ngày đang được áp dụng.

Lệnh giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực tại Peru kể từ ngày giữa tháng 3/2020. Trong 22 tháng qua, Chính phủ Peru đã nhiều lần điều chỉnh biện pháp này về mặt thời gian nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 trong từng giai đoạn.

Bộ trưởng Cevallos cho biết trong thời gian gần đây, mặc dù số ca mắc mới COVID-19 tại Peru có chiều hướng gia tăng, số ca nhập viện và tử vong do căn bệnh này lại giảm đáng kể. Người đứng đầu Bộ Y tế Peru cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch tiêm chủng đại trà các loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó quốc gia Nam Mỹ này đã tiến hành tiêm chủng cho 91% dân số đủ điều kiện tiêm chủng, tương đương hơn 23 triệu người. Ngoài ra, khoảng 7,3 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.

Châu Âu:

Số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh ở nhiều nước châu Âu 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức,ngày 21/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Đức ngày 27/1 thông báo số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua là 189.363 ca trong bối cảnh nước này đang thảo luận về quy định bắt buộc tiêm vaccine. 

Tỉ lệ mắc trên 100.000 dân trong 7 ngày tăng lên 1.017, so với con số 941 của một ngày trước đó. Đức cũng ghi nhận thêm 182 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi từ đầu dịch lên 118.065.

Quốc hội Đức đang tranh luận việc có nên áp đặt tiêm vaccine bắt buộc hay không. Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ tiêm vaccine bắt buộc đối với người trên 18 tuổi, nhưng trong chính phủ liên minh có nhiều ý kiến trái chiều. Đến nay, khoảng 75% dân số Đức đã được tiêm ít nhất 1 mũi vacine, ít hơn so với các nước như Pháp, Italy và Tây Ban Nha, nơi tỷ lệ này đạt 80%, 83% và 86%. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Ukraine, nước này ngày 27/1 ghi nhận 32.393 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, vượt mức đỉnh điểm 27.377 ca ghi nhận ngày 4/11/2021. Tính từ đầu dịch đến nay, Ukraine có tất cả 3,95 triệu ca mắc và 99.738 ca tử vong do COVID-19.

Cùng ngày, Cộng hòa Séc thông báo số ca mắc tăng lên mức cao mới ngày thứ 3 liên tiếp, lần đầu vượt 50.000 ca/ngày trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh. Cụ thể, ngày 27/1 nước này cho biết có 54.685 ca mắc mới, gần gấp đôi mức cao nhất cũng được ghi nhận trong tuần này. 

Tại Nga, số ca mắc mới lên tới 88.816 ca trong ngày 27/1, đánh dấu ngày thứ 7 liên tiếp con số này tăng lên mức cao mới trong bối cảnh có thêm nhiều khu vực ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron. Giới chức Nga cũng cho biết có 665 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Anh dỡ bỏ các hạn chế phòng ngừa biến thể Omicron

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh, ngày 27/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 27/1, Anh đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn được áp dụng nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Với quyết định trên, người dân sẽ không phải đeo khẩu trang tại những không gian khép kín và không cần xuất trình “hộ chiếu vaccine”.     

Việc dỡ bỏ những hạn chế này được thực hiện sau khi hơn 37 triệu người đã được tiêm các mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Số ca mắc bệnh cũng đã giảm mạnh trong hai tuần qua và mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng đã duy trì theo chiều hướng ổn định những ngày gần đây.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ghi nhận chiến dịch tiêm mũi tăng cường đã cho phép dỡ bỏ các hạn chế. Ông nhấn mạnh rằng các loại vaccine, xét ngiệm và thuốc kháng virus đảm bảo nước Anh có được một số “lá chắn phòng thủ” mạnh nhất châu Âu cũng như cho phép có thể thận trọng trở lại Kế hoạch A, khôi phục cuộc sống tự do hơn.

Cũng kể từ ngày 27/1, tuy hành khách vẫn phải đeo khẩu trang khi tham gia giao thông tại thủ đô London, nhưng quy định này đã được dỡ bỏ tại các trường trung học cơ sở.

Bỉ điều chỉnh các biện pháp phòng dịch trong trường học 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ, ngày 6/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các Bộ trưởng Y tế và Giáo dục của Bỉ nhất trí rằng các lớp học sẽ không đóng cửa kể cả khi có các trường hợp mắc COVID-19. Chỉ những học sinh xét nghiệm dương tính hoặc có các triệu chứng mới phải cách ly ở nhà.

Biện pháp này cũng áp dụng cho nhà trẻ. Các lớp học đang đóng cửa được mở lại sau khi thời gian cách ly hiện tại kết thúc. 

Mặc dù các biện pháp này được thông báo là mang tính tạm thời, nhưng đó là sự thay đổi trong chiến lược của Bỉ nhằm ngăn chặn đại dịch và vẫn đảm bảo học sinh được đến trường học trực tiếp. 

Một thay đổi lớn khác là kể từ ngày 3/2 tới, trẻ em khi tiếp xúc với cha mẹ hoặc một thành viên trong gia đình như anh chị em mắc COVID-19, sẽ không còn bị bắt buộc cách ly. Nếu không nhiễm virus SARS-CoV-2, các em đều được phép quay lại trường để học trực tiếp. 

Biến thể Omicron đã len lỏi vào hàng nghìn lớp học ở Bỉ. Tỷ lệ học sinh và giáo viên vắng mặt tại các lớp khá cao. Trong 2 tuần qua, khoảng 30% số học sinh nghỉ học chính khóa và 15% số lớp đóng cửa, khoảng 25% giáo viên tự cách ly ở nhà vì mắc COVID-19. 

Châu Á:

Số ca mắc mới tại Indonesia tăng cao nhất trong gần 5 tháng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 18/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 27/1, Indonesia đã ghi nhận thêm 8.077 ca mắc COVID-19 mới, cao nhất kể từ ngày 3/9/2021, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ đầu đại dịch lên 4,3 triệu người, trong đó có 144.261 ca tử vong.

Indonesia đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới kể từ ngày 11/1 vừa qua sau kỳ nghỉ lễ cuối năm kéo dài, trong khi các cơ quan y tế đang gồng mình ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Phát biểu họp báo ngày 27/1, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết tổng số ca nhiễm Omicron đã tăng thêm 222 trường hợp trong 24 giờ qua lên mức 1.988 ca, trong đó có 3 người tử vong và 768 người khác đã bình phục. Bộ trưởng Budi cho hay, theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ 5-6% bệnh nhân nhiễm Omicron cần trợ thở, trong khi hầu hết các bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ như sốt, ho, sổ mũi và không cần nhập viện điều trị.

Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) hạn chế đi lại ở nhiều khu vực 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 24/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc đã hạn chế đi lại ở nhiều khu vực trong thành phố nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, trong bối cảnh chưa đầy 10 ngày nữa sẽ khai mạc Olympic mùa Đông tại thành phố này, dự kiến vào ngày 4/2. 

Quận Phong Đài ở Bắc Kinh tối 26/1 đã mở rộng áp dụng quy định người dân không rời khỏi nhà nếu không cần thiết và phải tiến hành xét nghiệm hằng ngày. Trước đó, quận Phong Đài đã phong tỏa một số khu vực, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn cư dân. Quận này ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn bất kỳ quận nào khác trong làn sóng dịch bệnh hiện nay ở Bắc Kinh, 

Chính quyền thành phố Bắc Kinh không áp đặt phong tỏa bất kỳ quận nào, song một số quận hiện tự áp đặt hạn chế đi lại tại một số khu vực. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 27/1 cho biết thủ đô Bắc Kinh ghi nhận 5 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng trong cộng đồng trong 24 giờ qua, giảm so với 14 ca một ngày trước đó. 

Trên phạm vi cả nước, Trung Quốc ghi nhận 25 ca lây nhiễm mới có triệu chứng  trong cộng đồng và không có thêm ca tử vong nào. Như vậy, đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 105.811 ca mắc COVID-19 có triệu chứng, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Israel tiêm vaccine mũi 4 cho nhóm dễ tổn thương trên 18 tuổi

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Netanya, Israel ngày 5/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Israel thông báo nước này sẽ triển khai tiêm chủng mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dễ bị tổn thương trên 18 tuổi, trong nỗ lực đối phó với các đợt bùng phát dịch liên tiếp tại nước này.

Quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Israel Nachman Ash cho biết trong giai đoạn mới của chiến dịch tiêm chủng tại nước này, đối tượng ưu tiên tiêm mũi thứ 4 là người trên 18 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ông Nachman Ash dẫn một nghiên cứu cho thấy mũi tiêm thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer có khả năng tăng gấp 3 đến 5 lần lượng kháng thể chống virus SARS-CoV-2 ở người được tiêm, so với người tiêm 3 mũi.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế Israel, hơn 600.000 người trong tổng số 9,4 triệu dân của nước này đã tiêm mũi 4.

Số ca tử vong do COVID-19 tại Australia giảm 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Australia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 giảm trong khi số ca nhập viện vẫn duy trì ổn định. Cụ thể, Australia ghi nhận thêm 59 ca tử vong, giảm so với mức cao nhất 87 ca ngày 26/1. 

Số ca nhập viện vì mắc COVID-19 vẫn duy trì ở mức khoảng 5.000 ca trong vài ngày qua, đạt mức cao nhất gần 5.400 ca vào ngày 25/1, trong đó, bang New South Wales - bang chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất - ghi nhận số ca nhập viện giảm trong ngày thứ hai liên tiếp. 

Số ca mắc mới COVID-19 tại Australia đã giảm xuống khoảng 46.000 ca/ngày, giảm mạnh so với mức đỉnh  khoảng 150.000 ca/ngày cách đây 2 tuần. Đến nay, Australia ghi nhận tổng cộng hơn 2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 3.389 ca tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức
50% bệnh nhân COVID-19 mắc phải triệu chứng kéo dài này
50% bệnh nhân COVID-19 mắc phải triệu chứng kéo dài này

Mặc dù thế giới đã phải đối phó với đại dịch COVID-19 hơn hai năm nay, chúng ta vẫn đang tìm hiểu cách loại virus này ảnh hưởng đến cơ thể con người. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN