Đây là lần đầu tiên sau 18 tháng qua, những bộ trang phục thời thượng lại được trình diễn trực tiếp trên sàn diễn thời trang danh tiếng thế giới này. Trong số 65 buổi trình diễn catwalk trong 5 ngày tới, sẽ có 43 buổi biểu diễn được thực hiện trực tiếp có khán giả tới xem, số còn lại được giới thiệu trực tuyến. Tương tự, sẽ có 77 trong số 98 bài thuyết trình được thực hiện trực tiếp, nhiều buổi tiệc cũng sẽ quay trở lại với Milan...
Trong bối cảnh những nguy cơ từ đại dịch COVID-19 vẫn hiện hữu, những người được mời tới dự các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Milan sẽ được yêu cầu xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Họ cũng được yêu cầu đeo khẩu trang khi tham gia sự kiện. Nhiều người đã không thể tới sự kiện này do các lệnh hạn chế đi lại cũng như việc số lượng người tham dự tại các sự kiện công cộng đang bị giới hạn.
Tại tuần lễ thời trang lần này, các thương hiệu lớn như Fendi, Prada, Versace, Dolce & Gabbana, Missoni, Ferragamo và Etro sẽ giới thiệu những bộ sưu tập dành cho phái đẹp trong mùa Xuân/Hè 2022. Trong khi đó, nhà mốt Gucci tuy không thể góp mặt trong chương trình catwalk ở Milan, nhưng sẽ công bố một dự án mới mang tên “The Vault”. Giorgio Armani thì thông báo sẽ tổ chức một triển lãm hồi tưởng để kỷ niệm sự nghiệp thời trang 40 năm của mình.
Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu phải đối mặt với sự bùng phát dịch COVID-19 hồi tháng 2/2020. Chính phủ nước này buộc phải ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc, khiến nền kinh tế lớn thứ 3 ở Khu vực đồng Euro rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng thành công đã thắp lên hy vọng đưa đất nước Địa Trung Hải này trở lại trạng thái bình thường mới và tăng trưởng kinh tế.
Ông Carlo Ferro - Chủ tịch Cơ quan Thương mại Italy - cho biết: “Việc nối lại các buổi diễn trực tiếp tại Tuần lễ thời trang Milan "được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế khởi động trở lại và điều này cho thấy sự can đảm của các nhà tổ chức, sự bền bỉ của các công ty và sự hỗ trợ của ngành công nghiệp Italy".
Trong khi đó, ông Carlo Capasa – Chủ tịch Phòng thời trang quốc gia Italy - cho rằng Tuần lễ thời trang Milan đã "đánh dấu khoảnh khắc tái sinh" của ngành này.
Những số liệu về ngành công nghiệp thời trang Italy đã cho thấy những tín hiệu tích cực, với doanh thu quý I/2021 tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn 15% so với những dữ liệu ghi nhận trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng các doanh nghiệp trong ngành đang hy vọng số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh sẽ tạo nên sự khác biệt ở thời điểm cuối năm.