'Kiến trúc sư' đứng sau chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden từ chức

Nhà ngoại giao quyền lực số hai của Washington sẽ sớm kết thúc sự nghiệp kéo dài 3 thập kỷ trong chính phủ.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman phát biểu tại Washington, D.C. tháng 8/2021. Ảnh: AP

Dẫn một thông báo mới đây từ Bộ Ngoại giao Mỹ, kênh truyền hình RT cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman chuẩn bị từ chức. Nữ quan chức 73 tuổi này đã tham gia rất nhiều vào việc hoạch định chiến lược hiện tại của Washington đối với Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong thông báo nói về việc bà Sherman từ chức, Ngoại trưởng Antony Blinken đã ca ngợi sự nghiệp ngoại giao lâu dài của vị Thứ trưởng này, nhấn mạnh bà đã dẫn dắt Mỹ tham gia vào các hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, “khu vực được cho là nơi lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết nên”.

“Bà ấy đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng ta với bạn bè trên khắp thế giới, đặc biệt là với Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Bà ấy đã giám sát những nỗ lực nhằm củng cố năng lực của Bộ Ngoại giao trong việc xử lý mối quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời xây dựng một sự kết nối lớn hơn với các đồng minh và đối tác”, Ngoại trưởng Blinken nói thêm.

Trong một bản ghi nhớ nội bộ gửi cho các nhân viên trong bộ, Thứ trưởng Sherman khẳng định ngoại giao không dành cho “những người yếu tim”, kêu gọi các đồng nghiệp tiếp tục can đảm và sử dụng quyền lực của họ vì mục đích tốt đẹp. Bà cho biết quyết định nghỉ hưu của bà sẽ có hiệu lực vào cuối tháng tới.

Với sự nghiệp kéo dài hơn 3 thập kỷ, trải qua nhiều đời tổng thống và 5 ngoại trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao Sherman đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại quan trọng trong những năm qua. Với vị trí là “phó tướng” của Ngoại trưởng Blinken, trọng tâm của bà chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, thường đóng vai trò là người phát ngôn chính thức để giải thích chiến lược của Mỹ đối với Bắc Kinh.

Trong các phát ngôn vào đầu năm nay, bà Sherman từng cảnh báo Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định và phương tiện để định hình lại trật tự quốc tế”. Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, căng thẳng trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc nhiều lần gia tăng, đặc biệt là sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2022 của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Giới quan sát lưu ý nữ Thứ trưởng Sherman chuẩn bị rời Bộ Ngoại giao Mỹ trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu đổi mới ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc. Đầu tuần này, tại Vienna (Áo), Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã tổ chức một vòng đàm phán không báo trước với ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai quốc gia kể từ cuộc gặp của Tổng thống Biden với người đồng cấp Trung Quốc Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2022.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Trung Quốc cảnh báo bất ngờ về rủi ro thực sự đối với châu Âu
Trung Quốc cảnh báo bất ngờ về rủi ro thực sự đối với châu Âu

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cảnh báo rằng “rủi ro” thực sự mà châu Âu phải đối mặt không phải Bắc Kinh, mà đến từ “một quốc gia nào đó” đang tiến hành một “cuộc chiến tranh lạnh mới”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN