Khủng hoảng ở Syria: Phiến quân tấn công thành phố Hama sau chiến thắng tại Aleppo

Các lực lượng phiến quân Syria đã chiếm được sân bay Aleppo và đang mở rộng tấn công thành phố Hama ở phía Tây.

Chú thích ảnh
Các tay súng phiến quân Syria trên quảng trường Saadallah al-Jabiri sau khi chiếm giữ được thành phố Alleppo, ngày 30/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tờ New York Times, dẫn nguồn quan chức địa phương và Đài Quan sát nhân quyền Syria (SOHR,  một đơn vị giám sát chiến tranh có trụ sở tại Anh), cho biết các lực lượng phiến quân chống chính phủ Syria đã chiếm được sân bay Aleppo và đang tấn công sang thành phố Hama, thủ phủ tỉnh cùng tên ở phía Tây.

Theo các nguồn tin trên, ngày 1/12, các lực lượng nổi dậy tiếp tục giao tranh ác liệt với quân chính phủ, chiếm được sân bay và học viện quân sự của thành phố lớn Aleppo, đồng thời mở rộng tấn công vùng ngoại ô của thành phố Hama.

SOHR cho hay quân đội chính phủ trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đang cố gắng đẩy lùi phiến quân, điều quân tiếp viện cho trận chiến mới bùng nổ dữ dội và tiến hành các cuộc không kích vào Aleppo.

Trước đó một ngày, quân nổi dậy đã chiếm được phần lớn Aleppo trong một cuộc tấn công bất ngờ từ ngày 27/11. Theo SOHR, lực lượng này hiện kiểm soát một vùng đất rộng lớn trên khắp các tỉnh Hama, Idlib và Aleppo, ở phía Tây và Tây Bắc Syria.

Quân đội Syria ngày 30/11 cũng ngầm thừa nhận lực lượng của mình đang rút lui khỏi Aleppo, nói rằng "một lượng lớn khủng bố" đã buộc họ phải "thực hiện một chiến dịch tái triển khai", điều quân tiếp viện đến và chuẩn bị cho một "cuộc phản công".

Trong một dấu hiệu khác cho thấy sức mạnh đang gia tăng, quân nổi dậy cũng tuyên bố hiện đã kiểm soát toàn bộ tỉnh Idlib và đưa ra yêu cầu lực lượng người Kurd ở Aleppo phải rời đi đến vùng Đông Bắc.

Phóng viên tờ New York Times đã quan sát thấy quân nổi dậy kiểm soát một số khu vực của tỉnh Hama cũng như các khu phố ở phía Đông thành phố Aleppo và một số vùng nông thôn xa hơn mà quân chính phủ kiểm soát chỉ vài ngày trước đó.

Bên ngoài thành phố Hama, có thể nhìn thấy xe quân sự của chính phủ Syria trên khắp các con đường, dường như bị quân chính phủ bỏ lại sau khi hết nhiên liệu.

SOHR cho biết quân đội chính phủ đang nỗ lực chiến đấu để bảo vệ Hama và quân tiếp viện đã đến để bảo vệ các tuyến phòng thủ xung quanh thành phố cũng như một số thị trấn và làng mạc lân cận. Máy bay chiến đấu của chính phủ Syria cũng đang ném bom xuống những lãnh thổ hiện do quân nổi dậy chiếm giữ, bao gồm các mục tiêu trên khắp thành phố Aleppo.

Theo nhóm quan sát này, lực lượng chính phủ đang nhận được sự hỗ trợ từ các máy bay chiến đấu của Nga, và phi đội phối hợp đang tấn công các mục tiêu trên khắp vùng nông thôn gần Hama và tỉnh Idlib.

Chú thích ảnh
Phương tiện bị phá hủy trong một vụ tấn công ở thành phố Idlib, Syria ngày 1/12/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Là đồng minh của Syria, Nga đã nhiều lần triển khai lực lượng hỗ trợ Syria theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad kể từ đầu cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011. Các máy bay chiến đấu của Nga được triển khai ở Syria và đóng vai trò quan trọng trong việc lực lượng chính phủ giành lại Aleppo từ tay phiến quân vào năm 2016. Tổng thống al-Assad cũng trông cậy vào sự hỗ trợ về mặt quân sự và chính trị từ Iran cũng như lực lượng dân quân Hezbollah ở Liban (Lebanon).

Liên minh phiến quân Syria gồm nhiều phe phái, dẫn đầu là nhóm Hayat Tahrir al-Sham, một tổ chức từng có liên hệ với Al Qaeda nhưng đã công khai cắt đứt quan hệ với nhóm khủng bố này nhiều năm trước. Các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng được cho là có tham gia làn sóng tấn công mới bùng nổ.

Chính phủ Mỹ coi Hayat Tahrir al-Sham là một tổ chức khủng bố. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, nói với CNN hôm 1/13 rằng chính quyền Mỹ có "mối quan ngại thực sự về các ý đồ và mục tiêu của tổ chức đó".

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Sean Savett, đã nói trong một tuyên bố vào 29/11, rằng “Mỹ không liên quan gì đến cuộc tấn công này".

Ông Savett cho biết: "Mỹ cùng với các đối tác và đồng minh của mình, kêu gọi giảm leo thang, bảo vệ dân thường cũng như các nhóm thiểu số, và một tiến trình chính trị nghiêm túc, đáng tin cậy có thể chấm dứt cuộc nội chiến này một lần và mãi mãi".

Hayat Tahrir al-Sham (HTS) được gây dựng từ tiền thân là Mặt trận Nusra, một phe phiến quân cực đoan được thành lập như một chi nhánh của al-Qaeda, nổi lên vào đầu cuộc nội chiến ở Syria. Nhưng đến năm 2017, nhóm này đã bắt đầu áp dụng một cách tiếp cận thực dụng hơn các nhóm cứng rắn khác, chọn ưu tiên bảo vệ quyền kiểm soát Idlib thay vì tiếp tục phát động các chiến dịch lớn chống lại quân chính phủ.

Theo các chuyên gia đã nghiên cứu về HTS, nhóm này quyết dứt bỏ khỏi Al-Qaeda, thậm chí còn bắt giữ một số đối tượng có liên hệ với Qaeda.

Chú thích ảnh
Xe tăng của nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham di chuyển ở al-Rashideen, tỉnh Aleppo, Syria ngày 29/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

HTS sau đó hợp tác với các nhóm viện trợ, nhà báo và nhà nghiên cứu phương Tây. Nhóm này cũng tìm cách liên kết nền kinh tế của Idlib với nền kinh tế của thế giới bên ngoài, phát triển nông nghiệp và công nghiệp của khu vực và xây dựng một chính quyền cung cấp các dịch vụ hạn chế cho người dân.

Từ bỏ lời lẽ hoa mỹ về việc thành lập một Nhà nước Hồi giáo ở Syria, ban lãnh đạo của HTS cho biết họ muốn thay thế chính phủ của Tổng thống Assad bằng một chính phủ lấy cảm hứng từ các nguyên tắc Hồi giáo một cách nới lỏng hơn. Nhưng trong khi cách giải thích về Hồi giáo của nhóm này vẫn rất bảo thủ, thì cách quản lý của họ tỏ ra ít giáo điều, ít tàn bạo hơn đáng kể so với Nhà nước Hồi giáo - các nhà phân tích cho biết.

Hiện tại, Hayat Tahrir al-Sham dường như đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát đó sang Aleppo.

Một tuyên bố của chính phủ Syria cho biết, hôm 30/11, Tổng thống al-Assad đã trao đổi với các nhà lãnh đạo của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Iraq, tuyên bố rằng Syria sẽ "đánh bại những kẻ khủng bố, bất kể cường độ các cuộc tấn công của chúng". Các quan chức Syria thường gọi quân nổi dậy là khủng bố.

Tổng thống Iran, Masoud Pezeshkian, cũng đã đề cập đến tình hình ở Syria tại Quốc hội nước này trong ngày 1/12, nói rằng "các quốc gia Hồi giáo phải can thiệp để ngăn chặn Mỹ và Israel lợi dụng các cuộc xung đột nội bộ của các quốc gia và ngăn chặn sự tiếp diễn các cuộc khủng hoảng như thế này".

Ngoại trưởng Iran, Abbas Araghchi, đã đến Damascus cùng ngày. Ông Ali Moujani, một nhà ngoại giao Iran, cho biết trên mạng X rằng, ông Araghchi thực hiện chuyến đi để thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ Syria.

Quân đội Syria cho biết trong một tuyên bố hôm 31/11 rằng hoạt động đẩy lùi quân nổi dậy của họ đang tiến triển "thành công" và rằng họ sẽ sớm bắt đầu một cuộc phản công. Lực lượng chính phủ nói rằng các nhóm vũ trang đang phát tán "tin tức sai lệch" để "làm suy yếu tinh thần của người dân và quân đội dũng cảm của chúng ta".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NYT)
Thế khó của Tổng thống Biden ở Syria trong những ngày cuối cùng tại Nhà Trắng
Thế khó của Tổng thống Biden ở Syria trong những ngày cuối cùng tại Nhà Trắng

Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đối mặt với thách thức ngoại giao tại Syria, nơi Mỹ duy trì lực lượng để ngăn chặn IS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN