Theo hãng tin Reuters, hiện tượng tích trữ hàng hóa diễn ra trong bối cảnh đồng ruble giảm giá trị và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cắt đứt dòng chảy thương mại.
Giá hàng hóa đã tăng trên diện rộng kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2. Hành động của Nga đã dẫn tới các lệnh trừng phạt cô lập Nga về mặt kinh tế và khiến giá đồng ruble xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Nhiều công ty hàng đầu thế giới đã tạm ngừng hoạt động ở Nga và Nga hầu như bị loại khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
Sau khi phân tích các giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, ngân hàng nhà nước PSB cho biết một người Nga bình thường đã chi tiêu nhiều hơn 21% trong tuần đầu tiên của tháng 3 so với mức trung bình của tháng 2. Nguyên nhân là do cả lạm phát và tình trạng đổ xô tích trữ.
PSB cho biết chi tiêu cho hàng điện tử tăng 40%, mua hàng dược phẩm tăng 22% và nhu cầu quần áo, giày dép và chi tiêu trong siêu thị tăng 16%.
Điều chỉnh theo lạm phát, nhu cầu đối với các loại hàng hóa này tăng từ 14% đến 21%. Người Nga cũng cắt giảm 6% chi tiêu tại các quán cà phê và nhà hàng.
Ông Dmitry Gritskevich, Giám đốc phân tích tài chính và ngân hàng tại PSB, cho biết: “Trong môi trường căng thẳng, khách hàng không chỉ mua hàng hóa phổ biến mà còn cả hàng hóa thông thường”.
Ông Gritskevich hy vọng nhu cầu sẽ bình ổn trong những tuần tới vì chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ được khôi phục.
Lạm phát tiêu dùng hàng năm đã lên 10,42% tính đến ngày 4/3, tăng so với 9,05% ngày 25/2.
Lạm phát hàng tuần đã tăng lên 2,22% từ 0,45% trong tuần trước, mức cao nhất kể từ năm 1998.
Trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày 14/3 tại Moskva, giá trị đồng ruble của Nga tương đối ổn định giữa bối cảnh có thêm thông tin về vòng đàm phán mới giữa Nga và Ukraine diễn ra cùng ngày.
Theo đó, giá trị đồng ruble đã giảm 0,7% so với mức chốt phiên giao dịch của ngày 11/3 xuống 115 ruble/1 USD trong phiên sáng ngày 14/3. So với đồng euro, đồng ruble giảm 1,5% xuống 122,8 ruble đổi 1 euro. Đây đều được coi là hai mức giảm nhẹ so với những biến động mạnh của đồng ruble trong các tuần gần đây. Trên thị trường quốc tế, tỷ giá đồng ruble dao động ở mức 112-133 ruble/1 USD sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục 150 ruble/1 USD cách đây một tuần.
Trước đó, ngày 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ đồng ruble đang lao dốc, bao gồm cả việc cấm người dân chuyển tiền ra nước ngoài và buộc các nhà xuất khẩu phải bán ngoại tệ. Quyết định trên được đưa ra sau khi các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt cuối tuần qua đã khiến đồng ruble giảm giá xuống mức thấp kỷ lục. Giá đồng ruble so với USD hiện đã giảm 30% so với mức năm 2014.
Ngân hàng trung ương Nga tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản, lên 20%. Sắc lệnh của Điện Kremlin đã cấm chuyển tiền mặt ra nước ngoài và cho biết các nhà xuất khẩu giờ đây sẽ phải giữ 80% dự trữ của họ bằng đồng ruble, có nghĩa là các tập đoàn lớn như tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) sẽ phải bán ngoại tệ.
Ngày 28/2, các nước phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Mỹ cho biết họ đã cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng trung ương Nga tại Mỹ và đã đóng băng dự trữ của ngân hàng này.