Khủng bố Al-Shabab tuyên bố tiêu diệt 3 lính Mỹ ở Somalia

Khủng bố Al-Shabab cho biết chúng đã cho nổ bom tiêu diệt ít nhất 3 lính Mỹ và 5 chiến binh thuộc Lực lượng đặc nhiệm Somalia.

Chú thích ảnh
Phiến quân cực đoan Al-Shabab. Ảnh: Al Jazeera

Nhóm khủng bố Al-Shabab thông báo qua kênh truyền thông chính thức của nhóm này rằng các chiến binh của chúng đã tiêu diệt binh sĩ Mỹ và Somalia tại căn cứ quân sự Baledogle, tỉnh Shebelle, miền nam Somalia vào sáng 15/2.

Lầu Năm Góc hiện chưa bình luận gì về tuyên bố nói trên.

Lực lượng phiến quân Hồi giáo bị Mỹ xếp vào danh sách tổ chức khủng bố Al-Shabab hiện đang kiểm soát các khu vực nông thôn miền Nam Somalia, nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Luật Sharia hà khắc.

Al-Shabab chủ trương bài ngoại, chống đối lại sự can thiệp của quốc tế vào tình hình chính trị bất ổn của Somalia. Các thủ lĩnh của lực lượng phiến quân này được đào tạo bởi Al-Qaeda và cam kết trung thành với Al-Qaeda. Các chiến binh Al-Shabab đã tổ chức nhiều cuộc đánh bom liều chết vào thủ đô Mogadishu mà điển hình là vụ đánh bom xe tải tại Mogadishu ngày 14/10/2017 khiến hơn 500 người thiệt mạng.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã nới lỏng các giới hạn tham chiến với quân đội Mỹ tại Somalia, việc này tạo tiền đề cho phép các lực lượng quân sự Mỹ tham gia truy lùng và tấn công phủ đầu phiến quân. Chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có tới hơn 300 phiến quân Al-Shabab bị tiêu diệt trong tổng số 46 cuộc tấn công của quân đội Mỹ, cao hơn hẳn so với 2017 - chỉ có 31 cuộc tấn công diễn ra.

Video lực lượng Mỹ không kích tiêu diệt phiến quân Al-Shabab ở Somalia (nguồn: Al Jazeera):

Lầu Năm Góc lựa chọn không kích để tấn công Al-Shabab để giảm thiểu rủi ro với quân đội Mỹ và tăng hiệu quả trong tiêu diệt các mục tiêu. Mặc dù vậy, các cuộc không kích được gia tăng nhưng Mỹ, chính phủ Somalia và quân đội AU vẫn không thể chiếm thế thượng phong. Al-Shabab tiếp tục kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn. 

Giống như các nhóm thánh chiến khác, Al-Shabab nhận thức rõ về mối đe dọa đến từ bầu trời. Theo một quan chức an ninh khu vực, các tay súng của nhóm hiện nay tránh tụ tập thành các nhóm lớn. Chúng di chuyển theo tốp 3-4 người và chỉ tập trung lại để thực hiện các cuộc tấn công, nhằm vào các căn cứ của quân đội Liên minh Châu Phi và lực lượng chính phủ Somalia. Mặc dù các cuộc không kích gia tăng, thành phần cốt lõi của Al-Shabab vẫn vững chắc. Nhóm này không mất quyền kiểm soát lãnh thổ ở miền trung và miền nam Somalia, nơi chúng đang cố gắng thiết lập chính quyền riêng của mình để từ đó thu thuế của người dân địa phương. Đây là những khu vực rộng lớn hơn nhiều so với các trung tâm đô thị mà chính phủ kiểm soát.

Hiện nay, quân đội Mỹ có khoảng 500 binh sĩ đồn trú tại Somalia. Hầu hết các binh sĩ này thuộc lực lượng Đặc nhiệm bao gồm Mũ nồi xanh, lính thuỷ đánh bộ và đặc nhiệm SEAL của Hải quân. Nhiệm vụ chính của họ là huấn luyện lực lượng quân sự của Chính phủ Somalia, song song với đó là phối hợp với quân Chính phủ tiến hành các cuộc truy lùng và tiêu diệt phiến quân trên bộ. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, đã có 2 binh sĩ Mỹ tử nạn tại Somalia.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hành trình đi đến kết thúc buồn của 'siêu máy bay' Airbus A-380
Hành trình đi đến kết thúc buồn của 'siêu máy bay' Airbus A-380

Từ năm 2021 Airbus sẽ ngừng sản xuất siêu máy bay A380, từ bỏ loại máy bay chở khách lớn nhất, một trong những “đứa con” nhiều rắc rối nhất và cũng được kỳ vọng nhất của ngành công nghiệp hàng không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN