Theo tạp chí Financial Times, các chuyên gia hàng hải nhận định việc giải cứu tàu chở hàng Ever Given nặng 220.000 tấn cũng như những thiệt hại mà hàng trăm con tàu khác bị mắc kẹt ở kênh đào Suez vì sự cố có thể khiến số tiền bảo hiểm lên tới hàng trăm triệu USD. Đây được coi là một tổn thất lớn đối với ngành bảo hiểm toàn cầu – vốn dĩ đã phải hứng chịu nhiều sức ép từ những thiệt hại do cơn bão mùa Đông ở Mỹ, lũ lụt ở Australia và đại dịch COVID-19 trước đó.
Ông Christopher Dunn – người phụ trách giao thông hàng hải tại công ty luật Kennedys – ước tính số tiền bảo hiểm có thể vượt quá 250 triệu USD. Ông đặc biệt chỉ ra số tiền khổng lồ trong hóa đơn phần lớn là chi cho chi phí trục vớt, cũng như nạo vét....
Trong khi đó, David Smith - người đứng đầu bộ phận bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm hàng hải tại công ty môi giới bảo hiểm McGill and Partners - ước tính tổng số yêu cầu bảo hiểm từ sự cố kênh đào Suez là 150 triệu USD. “Yếu tố lớn nhất cho đến nay vẫn là khả năng mất doanh thu từ cơ quan quản lý kênh đào”, với thiệt hại ước tính là 15 triệu USD/ngày.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, chi phí cứu hộ thường sẽ gửi về công ty bảo hiểm thân tàu và máy móc.
Shoei Kisen Kaisha, chủ sở hữu Nhật Bản của tàu chở hàng Ever Given, tuần trước thông báo khoản bảo hiểm cho những thiệt hại tàu gây ra sẽ do Tập đoàn bảo hiểm MS&AD có trụ sở tại Tokyo cung cấp.
Trong một diễn biến liên quan, đài Sputnik đưa tin Ai Cập sẽ yêu cầu chủ của tàu hàng Ever Given trả tiền bồi thường và sẽ truy cứu trách nhiệm của thuyền trưởng đã khiến con tàu mắc kẹt tại kênh đào Suez từ ngày 23/3.
Cố vấn thân cận của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết sẽ mất tới 4 ngày để giải phóng hoàn toàn nút thắt chai tại kênh đào Suez do tình trạng tắc nghẽn gây ra. Quan chức này cũng xác nhận lưu thông hàng hải đã được nối lại và kênh đào hoàn toàn an toàn. Ông loại trừ khả năng đây là một âm mưu phá hoại.
Vị cố vấn tiết lộ tàu chở hàng Ever Given đang được kiểm tra kỹ thuật và sau đó sẽ trên hải trình đến Rotterdam (Hà Lan).
Tàu Ever Given, mang cờ Panama, có tải trọng lên tới 199.000 tấn. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ ngày 23/3 vừa qua, con tàu đã bị mắc cạn và chặn ngang kênh đào. Nguyên nhân ban đầu được báo cáo là vì sức gió quá mạnh khiến tàu xoay ngang và mắc kẹt từ ngày 23/3.
Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa trong năm 2020. Đây cũng là nơi mang lại nguồn thu ngoại hối quan trọng của Ai Cập. Sự cố lần này được cho là khiến Ai Cập thiệt hại khoảng 14 đến 15 triệu USD mỗi ngày.