Dẫn lời Giám đốc cơ quan quản lý kênh đào Suez ông Osama Rabie, đài truyền hình Egypt TV cho biết: “Kênh đào sẽ hoạt động 24h/ngày ngay khi con tàu tái nổi. Sẽ mất khoảng 3,5 ngày để giải quyết tình trạng ùn tắc hiện giờ với hàng trăm tàu hàng khác”. Hiện có khoảng 400 tàu đang chờ để đi qua kênh đào Suez.
Trong khi đó, người đứng đầu công ty cứu hộ Hà Lan tham gia giúp dịch chuyển con tàu khỏi kênh đào Suez cảnh báo “thách thức vẫn còn ở phía trước” mặc dù lực lượng cứu hộ thành công một phần dịch chuyển con tàu do đầu tàu vẫn đang kẹt.
“Tin tốt là đuôi tàu đã dịch chuyển nhưng theo quan điểm của chúng tôi, đó là phần việc dễ làm. Thách thức vẫn còn ở phía trước, bởi vì bạn thực sự phải di chuyển cả con tàu, với trọng lượng hàng hóa mà nó đang chở”, Peter Berdowski - Giám đốc điều hành công ty Boskalis trả lời phỏng vấn đài phát thanh công cộng Hà Lan.
Trước đó, vào ngày 29/3 – tròn một tuần tàu chở dầu Ever Green thuộc quyền sở hữu của Nhật Bản, siêu tàu này đã được “giải cứu”, tái nổi một phần và đang được dịch chuyển trở về “đúng hướng”.
“Vị trí của con tàu đã được định hướng lại 80% theo đúng hướng. Đuôi tàu đã di chuyển cách bờ 102 m, so với vị trí trước đó là 4 m”, ông Osama Rabie thông báo.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết quốc gia này đã thành công trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng tàu chở hàng mắc cạn ở kênh đào Suez.
“Bằng cách khôi phục tuyến đường trở lại bình thường, với sự góp sức của người Ai Cập, cả thế giới có thể yên tâm về hàng hóa và nhu cầu của họ được vận chuyển qua huyết mạch hàng hải này”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh qua những dòng trạng thái đăng trên tài khoản mạng xã hội chính thức.
Tàu Ever Given, mang cờ Panama, có tải trọng lên tới 199.000 tấn. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ ngày 23/3 vừa qua, con tàu đã bị mắc cạn và chặn ngang kênh đào. Nguyên nhân ban đầu được báo cáo là vì sức gió quá mạnh khiến tàu xoay ngang và mắc kẹt từ ngày 23/3.
Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa trong năm 2020.