Sự cố tại kênh đào Suez không ảnh hưởng trực tiếp tới các hãng tàu của Việt Nam

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Tuyên giáo - Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, sự cố tàu Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào Suez (Ai Cập) không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải của VIMC, bởi Tổng công ty hiện không có con tàu nào trực tiếp tham gia tuyến hàng hải này.

Chú thích ảnh
Tàu cứu hộ nỗ lực giải cứu tàu container Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào Suez ở Ai Cập, ngày 26/3/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Thông tin thêm, ông Trần Tuấn Hải cho hay, tàu Ever Given - một trong những tàu container lớn nhất thế giới được xem là size lớn (cỡ tàu lớn - tàu mẹ), trên thế giới số lượng loại tàu này chỉ đếm trên đầu ngón tay, hiện Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào sở hữu loại tàu như vậy.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Hải cho hay, tuy không trực tiếp bị ảnh hưởng từ sự cố trên nhưng xét về tổng thể thì việc vận chuyển hàng hóa của các đơn vị vận tải của VIMC sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền. Ví dụ như, hàng hóa mà các đơn vị của VIMC nhận vận chuyển thường được gom tại các cảng của Singapore trước khi được các tàu vận tải lớn chở đến các cảng ở châu Âu, châu Mỹ. Vì vậy, khi có sự cố tại kênh đào Suez thì lịch trình vận chuyển hàng hóa tại các cảng sẽ bị thay đổi kéo theo phải điều chỉnh giao nhận hàng…

Còn theo ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng Vận tải - Dịch vụ Hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam), hiện Việt Nam không có doanh nghiệp tàu biển nào khai thác các tuyến vận tải trực tiếp đi châu Âu. Do vậy, Việt Nam sẽ không có doanh nghiệp vận tải biển nào bị ảnh hưởng trực tiếp về quá trình vận chuyển hàng hóa đi qua kênh đào Suez.

Mặc dù vậy, ông Võ Duy Thắng cho rằng, nếu tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez không sớm được khắc phục sẽ ảnh hưởng tới vận tải biển chung của toàn thế giới. Các tàu chở hàng xuất khẩu sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ đã phải đi vòng qua châu Phi. Việc này sẽ làm tăng giá cước và kéo dài thời gian vận tải thêm đáng kể.

Liên quan đến sự cố trên, TTXVN đã đưa tin, ngày 29/3, hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape cho biết các nỗ lực giải cứu siêu tàu Ever Given chặn ngang kênh đào Suez đã đạt được thành công bước đầu khi giúp tàu nổi lên trên mặt nước.

Cụ thể, bước ngoặt quan trọng này đạt được sau khi đội nạo vét đào khoảng 27.000 m3 cát về phía 2 bên bờ của kênh đào Suez, xuống độ sâu khoảng 18m. Phần mũi tàu đã bị hư hỏng một phần nhưng toàn bộ kết cấu tàu được cho là vẫn ổn định.

Trước đó, Chính phủ Ai Cập đã yêu cầu tháo dỡ hàng trên tàu nếu không thể đưa tàu nổi lên mặt nước trước ngày 30/3.

Tàu Ever Given, mang cờ Panama, có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá và tải trọng lên tới 199.000 tấn. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ ngày 23/3 vừa qua, con tàu đã bị mắc cạn và chặn ngang kênh đào. Nguyên nhân ban đầu được báo cáo là vì sức gió quá mạnh khiến tàu xoay ngang và mắc kẹt từ ngày 23/3.

Theo Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA), khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa  trong năm 2020. Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua Kênh đào Suez hầu như tê liệt, khiến hơn 300 tàu khác bị tắc nghẽn ở 2 đầu kênh đào dài khoảng 190 km này.

Quang Toàn (TTXVN)
Chủ động biện pháp điều tiết trước sự cố kẹt tàu tại kênh đào Suez
Chủ động biện pháp điều tiết trước sự cố kẹt tàu tại kênh đào Suez

Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN