Khó khăn trong việc tìm mạnh thường quân mở hầu bao tái thiết Gaza

Xung đột Israel-Hamas vẫn tiếp diễn tại Gaza gây thiệt hại nhiều về người và của. Trong bối cảnh đó, tranh cãi về việc tái thiết dải đất này đã bắt đầu nổ ra.

Vực dậy Gaza sau hoang tàn

Chú thích ảnh
Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza ngày 14/12. Ảnh: THX/TTXVN

Thiệt hại về người trong cuộc xung đột ở Gaza là không thể đo đếm được. Nhưng chi phí để xây dựng lại những gì đã bị phá hủy dưới các cuộc bắn phá của Israel vào Gaza thì khác. Ước tính ban đầu cho thấy chúng có thể lên tới 50 tỷ USD.

Kể từ khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công Israel ngày 7/10, Israel đã ném bom Dải Gaza, nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine. Israel cũng đã phát động một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza và đang ngăn chặn việc cung cấp thực phẩm, nước, điện và hầu hết viện trợ vào dải đất này.

Xung đột khiến hơn một nửa số nhà ở tại Gaza đã bị xóa sổ và hơn 200.000 ngôi nhà khác bị hư hại. Ngoài ra, hàng chục bệnh viện, hàng trăm trường học và tòa nhà chính quyền cũng như các cơ sở nông nghiệp đã bị phá hủy. Nhiều công trình được xây dựng bằng nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ quốc tế.

Dưới đây là video khói bốc lên tại thành phố Khan Yunis sau một vụ không kích (nguồn: AFP)

Trong tuần này, truyền thông Israel đưa tin rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói với Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng rằng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia sẽ sẵn sàng thanh toán hóa đơn cho việc tái thiết Gaza. Điều này bất chấp thực tế là Israel vẫn chưa vạch ra kế hoạch ai sẽ quản lý Gaza nếu Tel Aviv đạt mục tiêu tiêu diệt Hamas.

Cũng có gợi ý rằng châu Âu sẽ chi tiền. Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là Đức, là những nhà tài trợ lớn, lâu dài về viện trợ nhân đạo cho các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. Mỹ cũng là một trong những nhà tài trợ lớn nhất và kênh DW (Đức) cho rằng Washington có thể sẽ được kêu gọi tài trợ cho việc tái thiết.

Nhưng ở cả Mỹ và châu Âu đã xuất hiện thông tin rằng những chính khách chịu trách nhiệm ra quyết định đã tự hỏi tại sao họ lại phải trả hàng triệu USD tiền thuế của người dân để xây dựng lại cơ sở hạ tầng ở Gaza vốn luôn có nguy cơ tiếp tục bị đánh bom trong tương lai gần.

Cây bút Gideon Rachman của tờ Financial Times (Anh) nhận định: “Tôi đã nghe các quan chức cấp cao của EU nói rõ ràng rằng châu Âu sẽ không trả tiền cho việc tái thiết Gaza. Quốc hội Mỹ dường như đang quay lưng lại với mọi hình thức hỗ trợ nước ngoài”.

Liệu Israel có mở hầu bao?

Chú thích ảnh
Người tị nạn Palestine chen chúc nhận thức ăn cứu trợ tại Dải Gaza ngày 30/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Đã có lời kêu gọi Israel bồi thường thiệt hại mà họ gây ra trong chiến dịch hiện tại ở Gaza. Một số ý kiến cho rằng vì Liên hợp quốc, EU và các tổ chức quốc tế khác coi Israel là một thế lực chiếm đóng ở đó nên Tel Aviv phải gánh vác trách nhiệm tái thiết. Năm 2010, Israel đã đồng ý bồi thường cho Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) 10,5 triệu USD cho các tòa nhà bị phá hủy trong chiến dịch năm 2009 tại Gaza.

Điều này đã gây tranh cãi trong nội bộ Israel, nhiều người băn khoăn rằng liệu khoản thanh toán đó có nghĩa là họ đang thừa nhận tội lỗi hay không. Tuy nhiên, đó dường như là trường hợp hiếm hoi Israel đồng ý bồi thường.

Trong cuộc tấn công của Israel vào Gaza vào năm 2021, khoảng 1.000 nhà ở và nhà thương mại đã bị phá hủy cùng 16.257 căn nhà khác và 60 trường học bị hư hại. Chi phí tái thiết khi đó ước tính vào khoảng 8 tỷ USD.

Nhưng bà Marta Lorenzo, Giám đốc Văn phòng Đại diện UNRWA tại châu Âu nhấn mạnh về xung đột hiện nay: “Mức độ thiệt hại và phá hủy là chưa từng có. Nó không thể so sánh với bất kỳ cuộc chiến nào khác ở Gaza. Vì vậy, ngay bây giờ, rất khó để xác định chi phí sẽ là bao nhiêu, nhưng đó sẽ không phải là trách nhiệm của chỉ một nhà tài trợ”. Bà dự đoán rằng có khả năng sau khi bạo lực giảm bớt sẽ diễn ra một hội nghị cam kết. Bà Lorenzo nói: “Trong đó, chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm”.

Một trận bóng chính trị

Chú thích ảnh
Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 10/12. Ảnh: THX/TTXVN

Nguồn tài trợ cho tái thiết ở Gaza, cũng như cho các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine và các dự án khác liên quan đến người Palestine, đã gặp nhiều khó khăn về mặt chính trị trong nhiều thập niên.

Việc Hamas cai trị Gaza từ năm 2007 đã gây rắc rối cho các nhà tài trợ. Họ đặt câu hỏi làm thế nào để trao viện trợ và tiền cho những người cần nó thay vì chuyển đến các hoạt động quân sự của Hamas. Liên hợp quốc năm 2022 ước tính khoảng 80% người dân ở Gaza phụ thuộc vào viện trợ.

Trước khi xung đột hiện nay bùng phát, UNRWA đã cung cấp phần lớn viện trợ cho Gaza, bao gồm các dịch vụ phúc lợi xã hội, trường học và phòng khám y tế. Các bộ trưởng cấp cao trong chính phủ Israel cho biết họ muốn loại bỏ hoàn toàn UNRWA, trong khi các chính trị gia ôn hòa ở các nước tài trợ tin rằng tổ chức này là cần thiết.

Một tranh cãi khác xoay quanh việc tái thiết là Cơ chế tái thiết Gaza (GRM), hình thành năm 2014 như một biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn Hamas tiếp cận các vật liệu xây dựng "lưỡng dụng" mà họ có thể sử dụng để thi công đường hầm.

GRM trở thành một hệ thống phức tạp, quan liêu dẫn đến chậm trễ đáng kể trong việc đưa vật liệu xây dựng vào Gaza. Nó cũng làm tăng chi phí xây dựng lên tới 20%, dẫn đến cáo buộc rằng các nhà thầu Israel đang lợi dụng hệ thống này để kiếm lời. Các nhà xây dựng ở Gaza thậm chí đã có giai đoạn tẩy chay các vật liệu được GRM phê duyệt.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 7/12. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Nathan Brown tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) đánh giá những tranh cãi sẽ không biến mất chỉ vì nhu cầu lớn hơn và sự tàn phá nghiêm trọng của xung đột đang diễn ra. Ông Brown nói với DW: “Tài trợ sẽ không phải là vấn đề, chính trị mới là vấn đề. Nếu ngày mai, tất cả các bên Israel, Palestine, các nước trong khu vực, các quốc gia phương Tây đều nói ‘đây là tương lai, nó sẽ như thế này’, cho dù đó là giải pháp hai nhà nước hay giải pháp một nhà nước hay bất cứ điều gì, thì tiền sẽ không thành vấn đề”.

Ông Brown lưu ý rằng rất nhiều nhà tài trợ sẽ sẵn sàng đóng góp nếu có vẻ như vấn đề được giải quyết vĩnh viễn. Trong vài ngày qua, xuất hiện thông tin cho rằng UAE thực sự sẽ trả tiền để xây dựng lại Gaza, nhưng chỉ khi giải pháp hai nhà nước được đảm bảo.

Theo ông Brown, thật không may, một giải pháp lâu dài dường như khó có thể xảy ra vào lúc này.

Bà Yara Asi tại Trung tâm Arab Washington DC, phân tích: “Hiện tại có quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Nếu không có sự quản lý hợp pháp ở Gaza, liệu các nhà tài trợ có thoải mái gửi hàng chục triệu USD không? Tôi nghĩ rằng họ muốn có đảm bảo nào đó về một loại tương lai chính trị, trước khi họ gửi toàn bộ số tiền này”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Gaza rơi vào cảnh tượng giống như 'địa ngục trần gian'
Gaza rơi vào cảnh tượng giống như 'địa ngục trần gian'

Những trận mưa lớn mang không khí lạnh đã tràn vào Gaza, tấn công những trại lều tị nạn và gây ngập lụt một số khu vực. Người đứng đầu Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) mô tả tình hình ngày càng xấu đi ở dải đất ven biển này giống như “địa ngục trần gian”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN