Nhiều tuần qua, hằng ngày, hầu hết trong số 7,4 triệu người ở Hong Kong đều vứt đi những chiếc khẩu trang dùng một lần với hy vọng sẽ tránh bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập. Nhưng nguy cơ lớn hơn đang hiện hữu khi một lượng lớn khẩu trang thải không được vứt đúng cách, và thay vào đó, chúng được chất đầy ở khu vực ngoại ô hoặc ở biển, nơi các sinh vật biển có thể nhầm với thức ăn, hoặc bị trôi dạt lên các bãi biển cùng với nhiều loại túi nhựa và các loại rác thải khác.
Các nhóm bảo vệ môi trường cho biết khẩu trang sử dụng chống virus SARS-CoV-2 đang đặt ra vấn đề về môi trường, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về sự lây lan của các mầm bệnh.
Nhà sáng lập nhóm môi trường Oceans Asia, Gary Stokes cho biết trong 6 - 8 tuần qua, người dân đã sử dụng số lượng khổng lồ khẩu trang các loại và đang chứng kiến hậu quả của việc này đối với môi trường.
Viện dẫn ví dụ tại đảo Soko không có người ở và khá biệt lập ở phía Nam sân bay quốc tế Hong Kong, ông Stokes cho biết đã phát hiện 70 chiếc khẩu trang bị vứt bỏ trên 100 m đường bờ biển và khi ông trở lại đây một tuần sau đó, đã có thêm 30 chiếc. Các bãi biển khác quanh thành phố cũng trong tình trạng tương tự.
Đặc khu hành chính Hong Kong đông dân cư nhiều năm nay đã vất vả đối mặt với tình trạng rác thải nhựa. Thói quen ăn tại nhà hàng, dùng đồ ăn nhanh và đồ mang đi đã càng làm gia tăng lượng rác thải nhựa dùng một lần. Các nhóm bảo vệ môi trường đã tổ chức các chiến dịch làm sạch bãi biển để xử lý rác.
Khẩu trang được làm từ polypropylene, một loại nhựa, và sẽ cần nhiều thời gian để tiêu hủy. Mọi người nghĩ rằng đang tự bảo vệ mình, nhưng câu chuyện không chỉ là bạn tự bảo vệ mình mà bạn cần bảo vệ mọi người và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Cần bắt đầu từ những việc đơn giản như vứt khẩu trang đúng cách.