Kháng thể đơn dòng thắp sáng tia hy vọng cho bệnh nhân COVID-19 Ấn Độ

Ấn Độ đã cho phép điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng loại thuốc kết hợp hai kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab.

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại New Delhi. Ảnh: AP

Liệu pháp này trước đây đã được dùng để điều trị COVID-19 cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông nhiễm virus SARS-CoV-2 vào năm ngoái.

Theo đài Sputnik, ngày 26/5, bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được điều trị bằng kháng thể đơn dòng kết hợp đã xuất viện ở Haryana một ngày sau khi tiêm thuốc. Bệnh nhân 82 tuổi với nhiều bệnh lý nền đã được đưa về nhà sau khi tiêm thuốc có chứa hỗn hợp hai kháng thể đơn dòng trên tại bệnh viện Medanta. Các bác sĩ Ấn Độ hy vọng phương pháp điều trị này sẽ giúp giảm thiểu số ca nhập viện, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị cho những bệnh nhân có nguy cơ chuyển biến xấu.

Ngày 24/5, nhà sản xuất thuốc Roche và Cipla có trụ sở tại Thụy Sĩ đã thông báo về lô thuốc kết hợp kháng thể đơn dòng đầu tiên ở Ấn Độ giúp điều trị bệnh nhân COVID-19 từ thể nhẹ đến nặng. Theo báo cáo, lô hàng thứ hai sẽ được vận chuyển vào giữa tháng 6. Gần đây, Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương (CDSCO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại thuốc này ở Ấn Độ. Roche và Cipla sẽ phân phối sản phẩm tại Ấn Độ thông qua các bệnh viện tuyến đầu và trung tâm điều trị COVID-19.

Bác sĩ Yash Javeri, phụ trách khoa gây mê và cấp cứu tại bệnh viện chuyên khoa Regency ở Lucknow (bang Uttar Pradesh), trả lời phỏng vấn đài Sputnik: "Liệu pháp này có thể giúp điều trị cho những người vẫn mắc bệnh dù đã được tiêm phòng. Các chuyên gia chỉ ra liệu pháp này cũng hiệu quả đối với trẻ em trên 12 tuổi. Loại thuốc kết hợp các kháng thể đơn dòng đã được chứng minh là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc điều trị COVID-19 trong tương lai. Loại thuốc này có hiệu quả 85% so với các loại thuốc kháng virus khác và có thể ngăn tình trạng tử vong”.

Casirivimab và Imdevimab là hai kháng thể đơn dòng miễn dịch G-1 (IgG1) của người được sản xuất bằng công nghệ ADN tái tổ hợp. Các kháng thể này có khả năng đặc biệt chống lại protein đột biến của virus SARS-CoV-2, được thiết kế để ngăn chặn virus bám dính và xâm nhập tế bào người. Phương pháp điều trị kháng thể hỗn hợp đã được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và châu Âu. Hỗn hợp kháng thể này có thể dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19 từ thể nhẹ đến trung bình trong độ tuổi từ 12 tuổi trở lên. Nó cũng hữu dụng đối với người có nguy cơ bệnh chuyển biến xấu nhưng chưa cần hỗ trợ máy thở.

Một số bác sĩ cũng cho rằng việc điều trị bằng thuốc hỗn hợp kháng thể đơn dòng là “cứu cánh” cho các gia đình có nhiều thành viên nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chi phí điều trị bằng phương pháp này khá cao và đặt ra thách thức cho những bệnh nhân không đủ khả năng chi trả.

"Xem xét hiệu quả của nó và nhu cầu gia tăng, chính phủ có thể làm việc trên một thỏa thuận với các công ty dược phẩm để cắt giảm chi phí", bác sĩ Javeri cho hay. Giá của mỗi liều thuốc ở Ấn Độ là hơn 812 USD (18,7 triệu đồng), còn một gói đa liều có thể điều trị cho hai bệnh nhân có giá 1.638 USD (37,7 triệu đồng).

Bảo Hà/Báo Tin tức
Bất bình đẳng vaccine cản trở nỗ lực chống dịch của Ấn Độ
Bất bình đẳng vaccine cản trở nỗ lực chống dịch của Ấn Độ

Các chuyên gia nhận định khoảng cách giàu nghèo, ngôn ngữ và công nghệ đang khoét sâu tình trạng bất bình đẳng vaccine, cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN