Bên trong tổng hành dinh ở Langley, một không gian văn phòng đơn giản, chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang, là nơi tập trung một nhóm chừng 10 người tham gia vào một sứ mạng có lẽ là bí mật nhất của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA): Làm thế nào để công dân Mỹ “like” (thích) CIA trên các mạng xã hội.
Một sắc lệnh được dán trên tường: “Mỗi khi bạn mắc lỗi chính tả… những người sửa lỗi sẽ thắng”.
Cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ đã từ từ tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội kể từ khi tham gia Facebook và Twitter vào năm 2014, và đang xúc tiến một trong những chiến dịch PR kỳ quặc, sáng tạo và gây tranh cãi nhất của chính phủ liên bang.
Mục đích của chiến dịch này là nhằm xoá tan một số thuyết âm mưu và thông tin báo chí tiêu cực đeo bám CIA trong những năm qua, bằng cách cho công chúng thấy rằng các nhân viên CIA cũng chẳng khác gì những người bình thường nhất.
Candice Bryant, 37 tuổi, lãnh đạo nhóm truyền thông xã hội CIA, người đã có cuộc trao đổi độc quyền với tờ Politico để thảo luận công khai về chiến lược tương tác của CIA, cho biết: “Thông minh, có trình độ và sau đó được tuyển dụng. Nhưng có những người không nhận ra rằng chúng tôi có một khía cạnh nhẹ nhàng hơn ở đây. Vì vậy, người xem của chúng tôi thực sự là toàn bộ công chúng Mỹ."
Nhưng không phải ai cũng cho rằng CIA - với danh tiếng là một trong những tổ chức khắt khe và lợi hại nhất trên thế giới - lại nên theo đuổi ảnh hưởng bằng cách chà bớt các cạnh sắc lẹm của mình. Những nỗ lực truyền thông xã hội của CIA đã bị cả hai phe tả hữu ở Mỹ chỉ trích. Một số người theo chủ nghĩa tự do nói rằng CIA đang thể hiện một phiên bản che giấu về lịch sử của mình, trong khi nhiều người theo cánh hữu cho rằng chiến lược truyền thông xã hội đang khiến cơ quan này tỏ ra yếu kém.
Bryant và hai "kiến trúc sư" khác của nỗ lực truyền thông xã hội cho CIA, được biết đến với tên giả là Michael và Alexis, đã giải thích lý do tại sao một trong những tổ chức bí mật nhất thế giới lại không thể không đăng status trên các mạng xã hội. Michael, người đứng đầu chương trình “Humans of CIA” (Con người của CIA) cho biết: “Chia sẻ những gì chúng tôi có thể, bảo vệ những gì chúng tôi phải làm”.
Nhóm truyền thông xã hội CIA tự hào đang có lượng người theo dõi mạnh mẽ trên Instagram (398.000 người), YouTube (60.000 người đăng ký), Facebook (993.000 lượt thích) và Twitter (3,2 triệu người theo dõi). Tuy nhiên, một phát ngôn viên CIA cho biết họ không có ý định tham gia vào ứng dụng Tik Tok, phổ biến với Thế hệ Z, vì lo ngại “những nguy cơ từ Trung Quốc”.
Nhóm truyền thông xã hội của CIA đã khai thác nhiều chủ đề “câu view” và tích cực gắn những thẻ hashtag phổ biến. Họ giải thích rằng CIA chỉ đang thích nghi với môi trường truyền thông nơi mỗi người, mỗi nhóm là một nhà xuất bản tiềm năng có thể tạo dựng thương hiệu riêng.
Tất nhiên, những câu chuyện trên các nguồn cấp dữ liệu truyền thông xã hội của CIA sẽ bỏ qua các hoạt động như “trấn nước” (một hình thức tra tấn), tấn công bằng máy bay không người lái, tình báo vũ khí huỷ diệt hàng loạt, các cuộc lật đổ thất bại hay đảo chính thành công. Họ cũng không tập trung quá nhiều vào những tiện ích công nghệ tuyệt vời, những nhà phân tích kiểu Jack Ryan, hay điệp viên như Jason Bourne [nhân vật trong serie phim điệp viên nổi tiếng). Bryant giải thích: “Chúng tôi muốn mọi người có thể nhìn thấy chính họ ở đây, chứ không chỉ một loại người nhất định”.
Nhưng cách truyền thông đó đã không được một số người bảo thủ đón nhận. Đầu năm nay, các thành viên Đảng Cộng hòa bao gồm cả cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo và Tucker Carlson - host và bình luận viên chính trị của đài Fox News - đã tấn công nhóm mạng xã hội của CIA khi họ đăng một video quảng bá sự đa dạng của cơ quan này.
“Tôi là một phụ nữ da màu, tôi là một bà mẹ, tôi là một người chuyển giới đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát”, Mija, một nhân viên CIA, cho biết trong video.
Ông Pompeo cáo buộc CIA đang ưu tiên "một số chương trình nghị sự thức tỉnh tự do" hơn là an ninh quốc gia. “Khi tôi là Giám đốc CIA, chúng tôi đánh giá cao các cá nhân dựa trên tài năng và kỹ năng chứ không phải chủng tộc hay giới tính của họ", ông Pompeo chỉ trích trên Twitter hồi tháng 5.
Đáp lại, Bryant cho rằng: "Chúng tôi cần James Bond, và chúng tôi có James Bond, nhưng chúng tôi cũng cần nhiều kiểu người khác, phải không?”
Các quan chức CIA cũng tin rằng nỗ lực truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn nhân lực cho cơ quan này. Người phát ngôn CIA, Sara Lichterman nói rằng khoá tuyển dụng năm 2021 sắp tới của CIA là khoá lớn thứ ba trong một thập kỷ và “đại diện cho nhóm nhân tài đa dạng nhất, bao gồm cả người khuyết tật, kể từ năm 2010”.
Tuy vậy, vẫn có những rủi ro đi kèm với việc vận hành mảng truyền thông xã hội của một trong những tổ chức bí ẩn và đáng sợ nhất trong bộ máy an ninh quốc gia Mỹ. Vào năm 2015, CIA đã quên gắn thẻ hashtag khi đăng dòng tweet kể lại một câu chuyện trong Chiến tranh Triều Tiên diễn ra từ đầu những năm 1950. Dòng tweet viết “Các nhà phân tích lưu ý rằng việc tập trung lực lượng Triều Tiên, bao gồm xe tăng và pháo hạng nặng, dọc theo vĩ tuyến 38 và sơ tán dân thường khỏi khu vực” đã gây ra một số báo động ngắn.
Bà Sara Lichterman lưu ý rằng một trong những quy tắc truyền thông xã hội độc đáo của CIA là: "Chúng ta không thể quá vui mừng về các sự cố quốc tế."