Bằng hình thức trực tuyến, phiên họp thường niên này sẽ kéo dài đến ngày 18/12, dưới sự chủ trì của ông Punchi Nilame Meegaswatte - Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Sri Lanka. Đây là lần thứ hai kỳ họp của ủy ban liên chính phủ buộc phải tổ chức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19, song vẫn tiếp tục thu hút sự tham dự đông đảo của hàng trăm đại biểu là đại diện các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, viện văn hóa nghệ thuật và các bên liên quan trên khắp thế giới.
Phía Việt Nam có Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân tham dự tại đầu cầu Paris. Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Yên Bái, nơi có hồ sơ Xòe Thái đệ trình lần này, tham dự các phiên họp từ đầu cầu Hà Nội và Yên Bái.
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 16 lần này sẽ đánh giá các hoạt động đã triển khai, hiện trạng các di sản đã ghi danh; thảo luận việc sửa đổi quy chế ghi danh di sản, Quỹ Di sản phi vật thể và các hồ sơ xin tài trợ từ quỹ; lập cơ quan tư vấn và xem xét công nhận tư cách tư vấn của các tổ chức phi chính phủ… Đặc biệt, kỳ họp sẽ xem xét ghi danh các di sản mới trên cơ sở 48 hồ sơ đệ trình xin danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 6 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 5 đề xuất về thực hành tốt và 3 dự án cần hỗ trợ của Quỹ Di sản phi vật thể. Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam cũng được đệ trình để xin được công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là một nội dung hoạt động quan trọng của UNESCO. Công ước này càng ngày càng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay đã có trên 90 nước gia nhập công ước và rất nhiều quốc gia đang trong quá trình phê chuẩn. Việt Nam là một trong 30 nước đầu tiên gia nhập công ước và được bầu vào Ủy ban Liên chính phủ từ năm 2006. UNESCO nhận xét Việt Nam là một trong số các quốc gia có chính sách và hoạt động tích cực, hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện ở việc xây dựng, ban hành và áp dụng luật và các chính sách bảo vệ di sản văn hóa; chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể; phục hồi và phát huy các loại hình nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống, phong tục, tập quán...