Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, triển lãm trực tuyến nói trên là hoạt động mới của trang web ACHDA và được phát triển trong khuôn khổ giai đoạn hai của Dự án ACHDA bắt đầu vào tháng 1/2021. Với 22 di sản văn hóa khu vực đã được số hóa, trong đó có bản chép tay các tài liệu về Phật giáo từ Thái Lan, các vương miện bằng vàng từ Indonesia, các tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại của các nghệ sĩ Malaysia…, triển lãm tập trung vào vai trò của kim loại trong việc làm thay đổi lịch sử và văn hóa của khu vực ASEAN.
Ngoài triển lãm, ACHDA cũng tổ chức hội thảo với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia đến từ các tổ chức văn hóa ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Nhật Bản, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm bảo tàng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội Ekkaphab Phantavong khẳng định dù ảnh hưởng sâu sắc đến các thể chế văn hóa của ASEAN, đại dịch COVID-19 đã góp phần tạo động lực để các bảo tàng tái hình dung cách tiếp cận khán giả thông qua các dịch vụ văn hóa kỹ thuật số phong phú.
Theo Phó Tổng Thư ký Phantavong, triển lãm mong muốn quảng bá di sản văn hóa đa dạng và phong phú của ASEAN đến với nhiều đối tượng hơn thông qua cách kể chuyện hấp dẫn, đồng thời truyền cảm hứng cho các bảo tàng, phòng trưng bày và thư viện, khám phá các cách làm sáng tạo để trình bày bộ sưu tập của mình bằng công nghệ kỹ thuật số.
Dự án ACHDA được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF). Giai đoạn đầu của dự án đã được khởi động vào đầu năm 2018. Mục tiêu của giai đoạn hai của dự án là số hóa các bộ sưu tập của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trước khi mở rộng tới các nước ASEAN còn lại.
Ra mắt vào ngày 27/2/2020, trang web ACHDA chuyên lưu trữ các bộ sưu tập hình ảnh 2D và 3D, bản ghi âm và dữ liệu video. Tính đến nay, trang web này đã và đang giới thiệu 267 di sản văn hóa từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan.