Phát biểu tại phiên khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh này phản ánh quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài của Mỹ với các quần đảo Thái Bình Dương, được củng cố bởi lịch sử, giá trị chung và mối quan hệ bền vững giữa người dân hai bên. Ông nêu rõ: "Chúng ta sẽ cùng thảo luận về những thách thức đang phải đối mặt, trao đổi ý tưởng và quan điểm, đồng thời đề ra hướng đi để giải quyết những vấn đề quan trọng nhất đối với người dân".
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, hội nghị là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm trực tiếp lắng nghe ý kiến về những ưu tiên, kỳ vọng của các nước vì tương lai của khu vực và thế giới, đặc biệt là cách thức có thể làm việc cùng nhau để đạt được các lợi ích chung.
Ông Blinken cho biết hai bên đã nhất trí tuyên bố "quan hệ đối tác giữa Mỹ và Thái Bình Dương", cho thấy "tầm nhìn chung vì tương lai và quyết tâm cùng nhau xây dựng tương lai". Ông nhấn mạnh đây là sự ghi nhận chỉ có hợp tác cùng nhau, các nước mới có thể thực sự giải quyết những thách thức lớn nhất của thời đại như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về sức khỏe, thúc đẩy cơ hội kinh tế, duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Blinken thông báo Mỹ cam kết tài trợ 4,8 triệu USD để củng cố "các nền kinh tế xanh", qua đó góp phần bảo vệ môi trường biển với việc thúc đẩy hoạt động đánh bắt thủy, hải sản mang tính bền vững hơn.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ 12 quốc đảo Thái Bình Dương và các đại diện của hai nước Australia và New Zealand. Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương trong ngày 29/9. Chương trình nghị sự sẽ bao gồm các vấn đề kinh tế - thương mại; các sáng kiến hợp tác mới; vấn đề khí hậu; các sự kiện ở Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ An ninh Nội địa Mỹ.