Kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực đạt hiệp ước ứng phó đại dịch trong tương lai

Ngày 30/1, nhân dịp đánh dấu 4 năm sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, một ủy ban độc lập kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đẩy mạnh nỗ lực để đạt được một hiệp ước toàn cầu về ngăn chặn nguy cơ xảy ra một thảm họa dịch bệnh mới. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Riga, Latvia. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thành lập Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch và ủy ban này bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2020. Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf là đồng chủ tịch ủy ban. 

Trong một bức thư ngỏ công bố ngày 30/1, các đồng chủ tịch ủy ban trên cùng một số cựu nguyên thủ quốc gia khác cảnh báo nguy cơ xảy ra một đại dịch mới trong tương lai là khó tránh khỏi. Trong khi đó, tiến trình cuộc đàm phán trong 2 năm qua để thống nhất về một hiệp ước đảm bảo các quốc gia có thể ứng phó tốt hơn với dịch bệnh tương lai lại đang đình trệ do một vài bất đồng. Bức thư kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhanh chóng nhất trí về một hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý, nhằm đảm bảo ứng phó hiệu quả hơn với các đại dịch trong tương lai. Hiệp ước mới đảm bảo tất cả các nước có năng lực phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn mối đe dọa mà đại dịch có thể gây ra, đồng thời đảm bảo các nước được trang bị công cụ và biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 

Các nước thành viên của WHO đã khởi động các cuộc đàm phán vào tháng 12/2021, thời điểm số trường hợp tử vong vì đại dịch COVID-19 lên tới hàng triệu người và hệ thống y tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Các nước mong muốn có thể kết thúc thảo luận và đặt thời hạn chót tháng 5/2024 hoàn tất một hiệp ước về ứng phó đại dịch trong tương lai. Theo kế hoạch ban đầu, khi hoàn tất, hiệp ước sẽ được ký kết tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới  - cơ quan ra quyết định của WHO - diễn ra từ ngày  27/5 đến 1/6.

Từ nay đến thời hạn chót này, các nước dự kiến sẽ tiến hành thêm 2 phiên thảo luận nữa, mỗi phiên kéo dài 2 tuần. Vì vậy, ủy ban độc lập nói trên cho rằng các nước cần "chạy đua với thời gian" để đạt được thỏa thuận đúng thời hạn chót. 

Tuần trước, Ban điều hành WHO tiếp nhận thông tin rằng các nước châu Âu muốn đầu tư tài chính nhiều hơn vào công tác ngăn chặn đại dịch, trong khi các nước châu Phi muốn có tri thức và nguồn tài chính để thực hiện được một hiệp ước như vậy, bao gồm được tiếp cận  nhiều hơn với nguồn cung vaccine và điều trị. 

Tham gia ký tên trong thư ngỏ nói trên có cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cựu Tổng Giám đốc WHO Gro Harlem Brundtland, các cựu Tổng thống Ernesto Zedillo của Mexico, Mary Robinson của Ireland, Laura Chinchilla Miranda của Costa Rica và Kolinda Grabar-Kitarovic của Croatia.

Nguyễn Hà (TTXVN)
WHO: Thế giới có thể lỡ hẹn một 'hiệp ước đại dịch'
WHO: Thế giới có thể lỡ hẹn một 'hiệp ước đại dịch'

Ngày 22/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại nhiều nước trên thế giới có thể bỏ lỡ thời hạn chót vào tháng 5/2024 để nhất trí về một "hiệp ước đại dịch" mang tính ràng buộc pháp lý, nhằm đảm bảo ứng phó hiệu quả hơn đối với các cuộc chiến chống đại dịch trong tương lai. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN